BÀI DIỄN VĂN KỲ LẠ

CỦA BỘ TRƯỞNG XUÂN THỦY

Kỷ niệm 111 năm ngày sinh ông Xuân Thủy (2/9/1912-2/9/2023) - vị chính khách tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ là dịp cùng tìm hiểu về một tấm gương sáng để các thế hệ sau tiếp bước noi theo.

Bài viết sẽ chỉ đề cập tới những mẩu chuyện cụ thể, sống động, bình dị và sâu lắng về đồng chí Xuân Thủy.

Desert plains beneath a blue sky

Đồng chí Xuân Thủy (2/9/1912 - 18/6/1985)

Đồng chí Xuân Thủy (2/9/1912 - 18/6/1985)

Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912, tại xã Phương Canh, tổng Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Sự nghiệp cách mạng của Xuân Thủy rất đa dạng, phong phú và sôi động. Về mặt Đảng, từ năm 1945, ông là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ 1955-1982, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng (1968-1982), Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Về công tác mặt trận, từ 1945-1985: Trưởng ban Tuyên truyền Tổng bộ Việt Minh (1945-1948); Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh (1948-1950); Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1951-1954), Bí thư Đảng đoàn kiêm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1985).

Về công tác Quốc hội, ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946-1960) đến khóa VII (1981-1987) và giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khoá II đến khoá VI (1960-1981). Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng Thư ký năm 1981-1982. Năm 1981, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII.

Ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1963-1965) và là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1968-1973) tại Hội nghị Paris.

Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Ông Trịnh Ngọc Thái - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nguyên thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là thư ký riêng của Trưởng đoàn Xuân Thủy tại Hiệp định Paris kể lại:

Dịp Tết năm 1970 tại trụ sở của đoàn ta tại Choisy-le-Roi - một thành phố nằm ở ngoại ô Paris về phía nam, Trưởng đoàn Xuân Thủy chiêu đãi tiệc các nhà trí thức và một số nhà báo Pháp.

Theo thông lệ, những sự kiện như thế này thì người chủ trì sẽ có một bài diễn văn khai tiệc. Dù tất cả các vị khách đã ổn định tại bàn, nhưng đợi mãi chưa thấy đồng chí Xuân Thủy lên tiếng.

Thấy vậy, có một nhà báo đặt câu hỏi: “Hôm nay ngài có diễn văn chứ?”.

“Vâng, tất nhiên rồi”, ông Xuân Thủy mỉm cười.

Nhưng thay vì chuẩn bị một bài diễn văn thông thường, vị Trưởng đoàn chậm rãi lấy một tờ thực đơn đặt sẵn trên bàn tiệc, vừa đọc vừa hướng dẫn cách thưởng thức từng món ăn Việt Nam, cho tới từng nguyên liệu, cũng như cách chế biến.

Kết thúc “bài diễn văn kỳ lạ”, khách mời trong khán phòng đều trầm trồ và vỗ tay tán thưởng.

Theo lời kể của ông Trịnh Ngọc Thái, bữa tiệc hôm đó đã thành công ngoài mong đợi, nhưng không phải ai cũng hiểu được dụng ý thực sự của Trưởng đoàn Xuân Thủy.

“Ngoài mong muốn chiêu đãi bạn bè quốc tế các món ẩm thực Việt Nam, ông Xuân Thủy còn giúp họ hình dung ra được đất nước, con người, và văn hóa Việt Nam đẹp đẽ, phong phú, tinh tế đến nhường nào”, ông Thái nhớ lại.

Small yellow flowers growing from stone.

Ông Trịnh Ngọc Thái gọi đây là những nỗ lực “âm thầm” quảng bá hình ảnh Việt Nam của vị Trưởng đoàn với bạn bè quốc tế mỗi khi có cơ hội đến.

Như ngày 17/1/1969, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chia tay W. Averell Harriman - Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tại Hiệp định Paris, ông Xuân Thủy cũng thiết đãi đối phương những món truyền thống của Việt Nam như: chả rán, giò nạc, bánh phồng tôm và tôm rán.

Tới khi Việt Nam chính thức đạt được thắng lợi tại Hiệp định Paris, phái đoàn ta tổ chức buổi ăn mừng do Trưởng đoàn Xuân Thủy chủ trì tại một khách sạn gần quảng trường Kléber, thành phố Strasbourg, Pháp, bạn bè quốc tế thậm chí còn được thưởng thức rượu lúa mới trứ danh của người Việt.

“Rất nhiều người biết đến Xuân Thủy là một nhà ngoại giao tài ba. Với riêng tôi, ông còn là một trong số ít những người tiên phong đưa văn hóa, ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, ông Trịnh Ngọc Thái nói.

Nụ cười Xuân Thủy

Sở dĩ ông Thái nhận định như vậy là bởi thời kỳ ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đến đỉnh cao và lừng danh bốn biển. Hình ảnh dân tộc Việt Nam là hình ảnh của một dân tộc dám đánh và dám thắng một đế quốc lớn.

Thế nhưng, do những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, “Cộng sản Bắc Việt” và “Việt Cộng” bị coi là những con người “hiếu chiến”, “lạnh lùng như sắt đá”, chỉ biết lý tưởng mà không có tình cảm.

Để phản bác lại những luận điệu đó, ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Paris vào tháng 5/1968, ông Xuân Thủy đã tạo nên một "cú sốc" lớn trong giới công luận ở thủ đô Paris.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - nguyên Phó trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris vẫn nhớ như in hình ảnh "nụ cười Xuân Thủy" tại gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ diễn ra trên đất Pháp.

“Bữa anh Xuân Thủy đến Hội nghị Paris, báo chí quốc tế đăng tin: Ông Bộ trưởng Xuân Thủy cười, và trên các tờ báo lớn, họ đều đăng ảnh “nụ cười Xuân Thủy”. Và trong quá trình gần 5 năm đàm phán ở Hội nghị Paris, ông Xuân Thủy vẫn đủng đỉnh, tủm tỉm cười thế này thế khác”, ông Nguyễn Minh Vỹ kể.

Nhưng hôm nào Trưởng đoàn Xuân Thủy không cười thì báo đăng ngay: “Hôm nay, ông Xuân Thủy đến Hội nghị không cười”.

Ông Vỹ bình luận thêm: “Quả thật Xuân Thủy có cái tài cười, giỏi cười, cười đẹp, có duyên. Không phải là cười “ngoại giao”, gượng gạo mà là cười tự nhiên, ung dung, đứng đắn, có ý nghĩa sâu sắc bên trong mà lời nói không thể diễn tả hết được”.

Nụ cười của Xuân Thủy theo ông Vỹ đã gắn với toàn bộ hình ảnh, con người của vị trưởng đoàn đàm phán.

Nụ cười ấy đã gây ấn tượng rất sâu, làm cho nhiều người mới tiếp xúc lần đầu có cảm tình ngay, thấy đó là một con người chân thành, trung hậu, dễ mến, không làm cho người ta e ngại mà làm cho người ta yêu mến, tin tưởng.

Đặc biệt, nụ cười đó còn đại diện cho cả dân tộc Việt Nam, khiến cho người dân Paris khó tính nhưng rất có tình người phải tự đặt ra câu hỏi: “Chịu đựng bao nhiêu đau khổ vì chiến tranh, làm sao người Việt Nam còn cười được?”.

Hình ảnh Trưởng đoàn Xuân Thủy tại Hiệp định Paris - Nguồn: AP

Hình ảnh Trưởng đoàn Xuân Thủy tại Hiệp định Paris - Nguồn: AP

Say mê nghề báo đến tận cùng

Suốt cuộc đời mình, đồng chí Xuân Thủy giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và luôn có những cống hiến xuất sắc trên các công tác ngoại giao, báo chí, phong trào bảo vệ hòa bình đoàn kết hữu nghị quốc tế.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong đó, báo chí là lĩnh vực được ông Xuân Thủy dành trọn sự say mê và gắn bó cho đến giây phút cuối cùng.

Chiều 18/6/1985, ngay trước bản thảo “Những chặng đường báo Cứu Quốc” dở dang trên bàn viết tại nhà riêng, ông Xuân Thủy đã lặng lẽ bước sang cõi khác trong cơn mưa tầm tã.

Xuân Thủy bắt đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo, cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng như: Trung Bắc Tân Văn, Hà Thành ngọ báo…

Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình làm cách mạng. Năm 1941, dù bị thực dân Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí trong tù với tờ báo mang tên Suối reo.

Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm báo Cứu Quốc, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như: Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng… Dưới sự lãnh đạo của ông, Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ.

Đến năm 1948, đồng chí Xuân Thủy trở thành Chủ tịch tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.

Ngày 21/4/1950, ông đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”.

Đại hội họp và bầu chủ nhiệm báo Cứu Quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Ông Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.

Tháng 7/1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức.

Đồng chí Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được trao tặng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Từ tháng 5/1968, Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.

Tại 248 phiên họp công khai của Hội nghị Paris, Xuân Thủy với lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo đã luôn giành thế chủ động và thuyết phục được các nhà quan sát.

Bên lề hội nghị, đoàn đàm phán có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ. Đồng chí Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp này, mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn Mỹ, phương Tây và xã hội chủ nghĩa...

Tác giả: Nguyễn Việt Hùng
Tư liệu ảnh: Getty Images và gia đình nhân vật cung cấp
Thiết kế: TheLEADER