KÊNH ĐẦU TƯ

HẤP DẪN NHẤT

NĂM 2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024 với nền định giá hợp lý và tăng trưởng kỳ vọng phục hồi tích cực của các ngành theo đà phục hồi của kinh tế

ÔNG NGUYỄN DUY LINH

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC CHỨNG KHOÁN VPBANK

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 đã trải qua nhiều biến động. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông có thể phân tích những điểm nhấn của thị trường chứng khoán năm 2023?

Ông Nguyễn Duy Linh: Nhìn lại năm 2023, diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu còn nhiều biến động khi chịu sự ảnh hưởng của nền lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu nhằm hạ nhiệt lạm phát. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của sự kiện ngân hàng Silicon Valley và 3 ngân hàng lớn của Mỹ phá sản cũng là yếu tố khiến các chỉ số chao đảo.

Tuy nhiên, điểm tích cực là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã điều hành rất linh hoạt và nhanh chóng giúp thị trường tài chính ổn định trở lại.

Đa phần các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều có mức phục hồi tích cực về cuối năm 2023 với mức tăng trưởng từ 15-25% khi giới đầu tư kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đi đến chặng cuối và khả năng sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.

Tại Việt Nam, VN-Index đã kết thúc một năm phục hồi thành công với mức tăng 12,2% so với mức giảm 32,78% của năm 2022. Xu hướng downtrend dần qua đi và thay vào đó là giai đoạn tích lũy phục hồi cho một chu kỳ mới.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đã có sự phản ánh khá tích cực trước xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với 4 lần hạ lãi suất điều hành cùng với chính sách tài khóa khi thúc đẩy mạnh đầu tư công.

Ngoài ra, việc Chính phủ kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá ổn định trong bối cảnh toàn cầu và khu vực biến động mạnh đã giữ được lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Tăng trưởng GDP năm vừa qua tăng trưởng 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu.

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng "Ổn định". Ðó là những điểm sáng đáng để giới đầu tư đặt niềm tin khi bước vào năm 2024.

Item 1 of 3

Vậy những điểm sáng nào để nhà đầu tư có thể đặt niềm tin vào năm 2024, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Linh: Một số điểm nhấn mà chúng ta có thể kỳ vọng trong năm 2024 gồm lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt; lãi suất sẽ trong xu hướng giảm; kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi; dòng tiền quay trở lại các thị trường tài sản tích cực hơn và câu chuyện nâng hạng sẽ tiếp tục nóng.

Tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm bản lề cho một chu kỳ tăng trưởng mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn "tái cấu trúc" quyết liệt trong năm 2023 với sự thay đổi lớn về định hướng.

Đến năm 2025, Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường chứng khoán cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế là mục tiêu được Chính phủ đặt lên hàng đầu.

Chúng ta đã lỡ hẹn KRX vào 2023 thì năm 2024, khi nền tảng công nghệ mới được vận hành sẽ mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với xu hướng hạ lãi suất trên toàn cầu, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển sang thị trường chứng khoán đón sóng nâng hạng.

Với việc tích cực triển khai các hoạt động liên quan đến cải tổ thị trường, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE Russell, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025.

Đối với MSCI, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025 khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết, và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026.

Ông nhận định mặt bằng lãi suất trong nước giảm đáng kể có thể thúc đẩy dòng tiền chuyển từ kênh tiết kiệm vào các loại tài sản khác. Nhưng liệu chứng khoán có thể hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, tiền số…?

Ông Nguyễn Duy Linh: Trong những kênh đầu tư tại Việt Nam, chứng khoán có lẽ vẫn là kênh hấp dẫn cả về yếu tố thông tin hỗ trợ và thanh khoản của thị trường.

Bởi lẽ, thị trường vàng trong nước có độ chênh lệch lớn với thế giới có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi "lướt sóng" tại vùng giá cao. Thị trường bất động sản còn khá trầm lắng và cần nhiều thời gian để phục hồi kể cả về nguồn cung và yếu tố tái cân bằng về giá.

Theo tôi, thị trường chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024 với nền định giá hợp lý và kỳ vọng tăng trưởng tích cực của các ngành theo đà phục hồi của kinh tế.

Cú huých cho thị trường chứng khoán có thể đến từ hai yếu tố lớn đó là chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và Việt Nam sẽ chuẩn bị các điều kiện gia nhập thị trường mới nổi. Trong quá khứ, khi một trong hai yếu tố này xuất hiện, thường sẽ tạo ra một con sóng tăng mạnh đối với các chỉ số chứng khoán.

Tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm bản lề cho một chu kỳ tăng trưởng mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn "tái cấu trúc" quyết liệt trong năm 2023 với sự thay đổi lớn về định hướng

ÔNG NGUYỄN DUY LINH

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC CHỨNG KHOÁN VPBANK

Tuy vậy, thanh khoản cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa vào thị trường?

Ông Nguyễn Duy Linh: Dòng tiền hiện nhập cuộc dần trở lại cho dù thanh khoản chưa bằng giai đoạn sôi động 2021 - 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin nhà đầu tư cần ổn định trở lại sau những khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu thời điểm cuối 2022 đầu 2023.  

Có 3 yếu tố kích thích dòng vốn trở lại trong năm nay chắc chắn sẽ được thúc đẩy đó là chính sách nới lỏng tiền tệ; các giải pháp nâng hạng được thúc đẩy và dòng vốn quốc tế luân chuyển quay trở lại thị trường mới nổi khi lãi suất của Fed đảo chiều.

Về chính sách tiền tệ, xu hướng nới lỏng tiếp tục diễn ra với xu hướng hạ dần lãi suất huy động và cho vay, đồng thời với việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Sau năm 2023 tín dụng tăng trưởng thấp, sang năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% và điểm khác biệt của năm nay là giao toàn bộ room tín dụng ngay từ đầu năm. Điều này truyền đi thông điệp đối với các ngân hàng là phải đưa vốn vào nền kinh tế phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.

Về lộ trình nâng hạng, cơ hội để FTSE Russell và cả MSCI đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm các thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian.

Năm 2024, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường pháp lý, minh bạch hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp, nới room... Lúc đó, dòng vốn ngoại được kỳ vọng giải ngân nhiều hơn vào các thị trường còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Về khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.770 tỷ đồng trong tháng 12 và 19.512 tỷ đồng trong năm 2023. Đối với năm 2024, chúng ta kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất nên áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Tăng trưởng kinh tế kỳ vọng tăng trưởng trở lại ở mức 6% và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết sớm hồi phục. Từ những yếu tố đó, kỳ vọng khối ngoại quay trở lại mua ròng trong năm 2024 và sớm nhất thời điểm cuối quý I khi Fed hạ lãi suất.

Nhà đầu tư thường quan tâm tới các chủ đề, nhóm ngành triển vọng. Ông có thể đưa ra một vài lời khuyên cho họ trong năm 2024?

Ông Nguyễn Duy Linh: Nhà đầu tư có thể lựa chọn một số cổ phiếu ngành ngân hàng với động lực từ tăng trưởng tín dụng và sự phục hồi của NIM do thanh khoản được cải thiện và chi phí vốn giảm theo xu hướng chung. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản và nợ xấu cũng có những tín hiệu kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính sách trong năm 2024.

Ngành dịch vụ tài chính cũng là lĩnh vực đáng chú ý trong 2024, động lực từ chính sự hồi phục của thị trường trái phiếu và sự tích cực của thị trường cổ phiếu với bối cảnh nêu trên.

Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2024, và một cách tương đối chắc chắn với nền tảng 2023, đầu tư công có thể tạo ra động lực cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng. Cùng với đó, thu hút FDI được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực từ 2023 có thể tác động tốt tới bất động sản công nghiệp.

Trong năm 2023, chúng ta cũng đã chứng kiến quá trình tái cấu trúc tập trung vào hiệu quả của nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn. Tôi cho rằng có căn cứ để kỳ vọng vào sự phục hồi lợi nhuận của lĩnh vực bán lẻ trong 2024.

Ngành bất động sản dân cư có triển vọng phục hồi năm 2024, nhưng tôi đánh giá sẽ có sự phân hóa tương đối mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp bất động sản.

Năm 2024 có thể sẽ có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp bất động sản về áp lực vay nợ ngắn hạn, chi phí vốn, quỹ đất, tiến độ triển khai và bán hàng các dự án trọng điểm, dẫn tới kết quả kinh doanh có thể khác biệt.

Lựa chọn các nhóm ngành đầu tư đúng là quan trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi nhà đầu tư cần phải tuân thủ các nguyên tắc đầu tư như đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên chú trọng hơn vào góc nhìn đầu tư trung và dài hạn và lựa chọn giải ngân những cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn.

Ngành dịch vụ tài chính - cụ thể là các công ty chứng khoán được kỳ vọng có sự phát triển trong những năm tới. Là người đứng đầu công ty chứng khoán hàng đầu với nhiều mục tiêu cao cần hướng tới, liệu việc cân bằng giữa kiểm soát rủi ro trong hoạt động và mang lại giá trị lớn cho cổ đông có gặp nhiều thách thức?

Ông Nguyễn Duy Linh: Thị trường chứng khoán là môi trường kinh doanh biến động nhanh và liên tục, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt do đó môi trường kinh doanh sẽ luôn đặt ra các thử thách cho mọi người chơi.

Nhưng tôi tin rằng trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội, trong khó khăn sẽ có sự sáng tạo. Điều quan trọng nhất đối với triển vọng của doanh nghiệp là sự đúng đắn của mô hình kinh doanh, triết lý kinh doanh, chiến lược kinh doanh, và sự khát vọng của đội ngũ thực thi.

VPBankS thừa hưởng sức mạnh và triết lý kinh doanh "Lấy khách hàng làm trọng tâm" từ ngân hàng mẹ nên việc xây dựng, phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ đều hướng tới khách hàng.

Công ty đặt mục tiêu trở thành One – stop shop vào năm 2026, đáp ứng ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, trở thành điểm đến của mọi nhà đầu tư.

Mục tiêu lớn, dựa trên nguồn lực lớn. VPBankS được kế thừa và phát huy rất nhiều giá trị từ ngân hàng mẹ, không chỉ dừng lại ở nguồn lực về tài chính.

Chúng tôi không bất chấp rủi ro bằng mọi giá để tạo ra lợi nhuận ngắn hạn, mà mọi bước đi đều hướng theo chiến lược phát triển dài hạn đã được hoạch định và hướng vào mục tiêu khách hàng.

Bên cạnh đó, nguồn lực con người - đội ngũ thực thi chiến lược kinh doanh, cũng luôn được VPBankS chú trọng bồi dưỡng và phát triển.

Chúng tôi có 5 giá trị cốt lõi là "Khát vọng - Chính trực - Hiệu quả - Kỷ cương- Sáng tạo", thể hiện những giá trị sẽ giúp đội ngũ tạo nên sự bứt phá. Nhờ đó, đặt mục tiêu tham vọng, tốc độ tăng trưởng nhanh và VPBankS hiện vẫn đang đạt được hiệu quả kinh doanh tương đối tích cực.

Xin cảm ơn ông!