Cuộc sống của nhiều người dân ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ – một trong những chợ nổi cuối cùng của Đồng bằng sông Cửu Long – đang trở nên tối tăm khi hoạt động mua bán và du lịch sụt giảm đáng kể.

CÁI RĂNG, CẦN THƠ – Hơn bốn giờ sáng, khi tiếng gà từ những nhà trên bờ sông vọng lại, bà Phạm Hồng Loan choàng tỉnh, bật đèn. Từng miếng gỗ trên chiếc ghe nhỏ rung lên theo mỗi bước chân của bà, hòa cùng làn nước đang dập dình đập nhẹ vào hông ghe. Bước xuống chiếc thuyền nhỏ đang neo bên cạnh, bà sắp sửa giỏ, cân, nón – những dụng cụ quen thuộc của một buổi đi chợ.

Chồng bà Loan mắc bệnh xơ gan, nằm liệt giường, nên một mình bà cáng đáng cả gia đình. Hôm nay là cuối tuần, chiếc thuyền còn có thêm chị Quỳnh con gái bà và hai đứa cháu chưa đầy 5 tuổi.

Chúng ngủ gục, quần ướt sũng vì nghịch nước thấm vào thuyền. Chúng lấy chôm chôm, cóc làm bữa sáng còn ăn trưa bằng bát bún bà xin được của người quen bên chợ nổi.

“Từ ngày có bờ kè, người mua kẻ bán ít đi, khách du lịch thấy vắng vẻ cũng chẳng đi nhiều. Đi từ 4, 5 giờ sáng mà đến giờ cũng chẳng được là bao. Buôn bán thế này thì gần như từ sáng đến chiều là trắng tay,” bà Loan tâm sự.

Ở chợ nổi Cái Răng, một thời tấp nập người mua kẻ bán, nay nhiều chủ thuyền, đa phần là phụ nữ phải gánh vác cả gia đình như bà Loan, đang phải đối mặt với sự lụi tàn của chợ giữa sự phát triển của hạ tầng xung quanh.

Gánh nặng ngày càng lớn hơn trên vai bà Loan khi thu nhập sụt giảm vì hoạt động trên chợ nổi ảm đạm. Ảnh: KM

Gánh nặng ngày càng lớn hơn trên vai bà Loan khi thu nhập sụt giảm vì hoạt động trên chợ nổi ảm đạm. Ảnh: KM

Theo ông Tiêu Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND phường Lê Bình, quận Cái Răng, so với trước đây, số lượng bè sinh sống cố định trên chợ nổi giảm nhẹ nhưng số lượng ghe thương hồ (ghe của những người buôn bán trên sông) giảm đáng kể.

Ước tính vào lúc cao điểm, số lượng ghe có thể đạt tới 500 nhưng hiện giờ chỉ còn trên dưới 200 ghe. Con số này trên thực tế thậm chí còn có thể thấp hơn bởi những ghe thương hồ đều không cố định, họ di chuyển nay đây mai đó.

Theo soạn giả Nhâm Hùng, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghiên cứu văn hóa miền Tây, trong số những ghe còn lại, số lượng ghe mua bán hàng sỉ chỉ còn khoảng 50, còn lại chủ yếu là các ghe dịch vụ phục vụ cho du lịch và người dân.

10 giờ sáng, gia đình chị Đặng Thị Diệu mới bày bát đũa để chuẩn bị bữa sáng.

Trước đây, những ngày còn đông người mua bán, chị phải ra khỏi nhà từ 2 – 3 giờ sáng để kịp vào vườn lấy trái cây để chở đi chợ nổi bán. Thậm chí, có những ngày chị phải bồng theo đứa con nhỏ vẫn còn đang say giấc.

Nhưng giờ, khách mua chẳng còn, khách du lịch thưa thớt, buổi sáng của gia đình chị bắt đầu khi mặt trời đã ló dạng và bữa đầu tiên của ngày cũng đã đến gần trưa.

“Hồi đó chợ ở đây đông dữ lắm, ghe xuồng chen chúc nhau. Mần (làm) lay lắt cũng nuôi được hai đứa con, giờ mới cảm thấy thất nghiệp thật sự là như thế nào”, chị tâm sự.

Khoảng hai chục năm trước, chị và chồng quyết định rời Phong Điền, chạy dọc theo sông Cần Thơ lên Cái Răng để lập nghiệp.

Trong ký ức của chị, chợ nổi Cái Răng thời đó tấp nập người mua kẻ bán, thuyền ghe san sát, cơ hội công việc mở ra ngay trước mắt, từ buôn bán, chạy đò thuê tới làm bốc vác nông sản.

Số lượng ghe thương hồ tại chợ nổi Cái Răng giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Ảnh: KM

Số lượng ghe thương hồ tại chợ nổi Cái Răng giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Ảnh: KM

Theo soạn giả Nhâm Hùng, chợ nổi Cái Răng được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XX, là nơi tụ họp của ghe, xuồng từ mọi vùng miền thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ghe thì chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn xuống, ghe thì chở chiếu, lá lợp nhà từ Cà Mau, Rạch Giá.

Hoạt động mua bán trên chợ nổi Cái Răng dần sôi động hơn sau thời kỳ Đổi mới 1986. Sự phát triển ấy trước hết đến từ nhu cầu trao đổi nông sản dư thừa từ các hoạt động nông nghiệp.

Chợ nổi Cái Răng ban đầu được hình thành ở khu vực giao nhau của bốn con sông, có các yếu tố tự nhiên thuận lợi như không quá sâu, không quá rộng, dòng nước không mạnh, phù hợp cho việc trao đổi.

Sau khi được di chuyển, chợ nằm trên sông Cần Thơ, thuộc trục đường thủy chiến lược sông Hậu – kênh xáng Xà Nô (con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu). Do đó, rất thuận tiện cho việc buôn bán với các tỉnh lân cận và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào những năm 2009, 2010, chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ nổi có quy mô sầm uất nhất trong vùng.

Nhưng tất cả hình ảnh ấy giờ chỉ còn trong ký ức khi sự phát triển của cơ sở hạ tầng xung quanh đang kéo thụt lùi khu vực chợ nổi.

Soạn giả Nhâm Hùng cho rằng, sự mở rộng của hệ thống đường bộ kéo theo sự phát triển kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp việc mua bán trên bờ tiện lợi hơn, làm giảm sự sung túc của chợ nổi.

Trước đây, hàng hóa chủ lực của chợ nổi là trái cây nhưng giờ đây, xe thu mua đã vào được đến tận vườn, không còn có nhu cầu mua bán trên chợ nổi. Phần lớn những ghe còn lại là bán lẻ hoặc phục vụ khách du lịch.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sự xuất hiện của dự án bờ kè sông Cần Thơ, với mục tiêu chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn thoát lũ và an toàn giao thông đường thủy là một yếu tố khác đẩy nhanh quá trình tiêu vong của chợ nổi Cái Răng.

Bươn chải hai mấy năm trên các chợ nổi ở miền Tây, anh Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) chưa khi nào thấy khung cảnh ảm đạm như hiện tại.

“Từ ngày làm bờ kè, người ta buôn bán ở chợ nổi này ít hơn hẳn. Họ chọn chạy xe về các chợ đầu mối vì ở đây không có chỗ đậu xe, nếu đậu xa quá thì chi phí độn lên nhiều vì công đò đi xa cao hơn, công bốc vác lên xuống cũng mắc hơn, bán hàng chẳng có máy đồng lời,” anh cho hay.

“Quy luật là người dân khó buôn bán quá thì sẽ bỏ chợ. Chợ nổi thì phải có không gian trên bến dưới thuyền, ở trên bờ phải có vựa, phải có chỗ cho xe đưa xuống và ở dưới đưa lên, tức là phải giao thương hai chiều. Đây là điều cơ bản bất cứ chợ nổi nào cũng cần,” ông Hùng phân tích.

Dự án bờ kè xuất hiện đã làm đứt đoạn mối giao thương được hình thành từ nhiều đời trên dòng sông này, khiến người trên bờ không muốn xuống sông, người dưới sông chẳng thể lên bờ.

Phó chủ tịch UBND phường Lê Bình Tiêu Chí Nguyện cho biết thêm, kể từ khi có bờ kè, có tới 14 trong tổng số 18 vựa trái cây dọc theo chợ nổi đã di dời nơi khác, tới gần hơn các chợ đầu mối trên bờ.

Ngày trước, mỗi lần đi ghe vào trong đầm, trong rẫy lấy hàng, lúc nào anh Minh cũng sợ không đủ. Chiếc ghe của anh chất đầy được hai chục tấn hàng nhưng chỉ chừng một buổi chợ là hết. Cũng vẫn ghe hàng ấy, giờ anh bán cả tuần lễ vẫn còn trong khoang.

“Riết rồi nản lắm. Bán không được thế này chắc loay hoay hồi nữa rồi cũng nghỉ. Một số người xung quanh đã lên bờ kiếm xe chạy vô các vườn,” anh chia sẻ.

Với anh Minh, lựa chọn của anh đơn giản là tiếp tục buôn bán hoặc dừng lại, chuyển sang các ngành nghề khác khi anh còn có sức khỏe, có tiền tiết kiệm, có bố mẹ hỗ trợ chuyện con cái.

Còn hai vợ chồng chị Diệu, chở hàng mướn một thời gian thì thất nghiệp vì các ghe đổ buôn không còn nhiều như trước, cũng chuyển qua đi buôn với số vốn ít ỏi cộng tác cùng người em.

Thế nhưng buôn bán giảm sút nên công việc kinh doanh cũng chẳng sinh lời là bao. Hai vợ chồng từ đó gần như ở không, thay nhau đưa đón con đi học và ai thuê gì thì làm đó.

“Mình chẳng buôn nổi vì người trồng thì ít mà người mua thì nhiều. Vô vườn người ta đấu đá nhau ghê lắm, người ta có nhiều tiền, mua cả vườn từ khi dưa còn non chứ mình vốn ít, đâu có làm như vậy được,” chị Diệu chia sẻ.

Theo soạn giả Nhâm Hùng, nếu như không còn chợ nổi Cái Răng, không chỉ Cần Thơ mà cả khu vực miền Tây sẽ tổn thương lớn, mất đi sản phẩm mang giá trị biểu tượng từng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Cho nên, bất cứ giá nào phải bảo tồn chợ nổi bằng cách này hay cách khác,” ông khẳng định.

Ông Hùng cho rằng hướng đi hiện nay cần tập trung vào việc duy trì văn hóa trên chợ nổi, văn hóa của những thương hồ tại đây.

Để làm được điều này, ông phân tích, trước hết cần hiểu rõ bản chất của chợ nổi – tự phát, tự quản, tự do  – nghĩa là không ai thành lập, không có ban quản lý và không cần ban quản lý, thương hồ tự tụ tập lại do nhu cầu và tự trao đổi, thỏa thuận với nhau. Cùng với đó, những ghe, xuồng ở đây có thể đến và đi bất cứ lúc nào.

Do vậy, ông lưu ý và nhấn mạnh: “Không được lấy ý chí chủ quan để áp đặt lên một môi trường như vậy.”

Những can thiệp của các nhà quản lý tại đây cần theo hướng hỗ trợ để phát triển thay vì dẫn đến cái kết tiêu vong. Cùng với đó, quản lý cần được thực hiện theo hướng mở ra, tháo gỡ và tạo điều kiện cho các thành phần trên chợ nổi thay vì ngăn cản.

Theo đánh giá, chợ nổi Cái Răng hiện đang biến đổi văn hóa, từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo và có thể sau này thành chợ nổi du lịch. “Đây là quy luật không thể tránh được,” ông nhấn mạnh.

“Chợ nổi Cái Răng sẽ mang hình hài mới, đúng thực chất là chợ nổi du lịch. Chúng ta đừng luyến tiếc cái quá khứ nữa bởi đã đến thời kỳ phải chuyển đổi, phải chấp nhận lộ trình chuyển đổi.”

Ông khuyến nghị, một trong các phương án nhanh nhất hiện nay là các nhà quản trị kêu gọi các nhà đầu tư, thể hiện sự rõ ràng và minh bạch trong kết hợp khi phân rõ các cơ quan, chính quyền sẽ hỗ trợ điều gì.

Các nhà quản trị cũng cần mở ra tầm nhìn tương lai, kế hoạch 5 – 10 năm để các doanh nghiệp dựa vào đó phát triển.

“Những vấn đề này cần sự thống nhất giữa chính quyền, nhà quản trị với doanh nghiệp và cả chuyên gia nghiên cứu. Nhà nước cần khơi gợi và thúc đẩy doanh nghiệp, không nên né tránh mà cần thẳng thắn trong vấn đề quản trị,” ông Hùng chỉ rõ.

Để có thể duy trì văn hóa của chợ nổi – sự giao thương hai chiều giữa trên bờ và dưới sông, một trong những giải pháp được nhiều thương hồ tại chợ nổi Cái Răng đưa ra là cải tạo bờ kè để phù hợp với lối sống người dân.

Anh Minh nhấn mạnh, giải pháp để giảm tác động của bờ kè hiện nay là cần phải có bến lên xuống hàng hóa thì xe cộ mới tụ họp lại.

Hiện nay, dọc bờ kè chỉ có vài nấc cho người đi bộ lên xuống chứ không có bến bãi cho hàng hóa. Chẳng những vậy, chiếc lan can cao chạy dọc bờ kè như cắt đứt mối liên hệ trên bờ và dưới sông.

Đảng ủy phường Lê Bình, quận Cái Răng trong báo cáo sơ kết hai năm về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn quận Cái Răng 2021 – 2025 cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Bên cạnh đó, cần tạo những kiot để các tiểu thương chứa hàng thì mới có thể thu hút ghe tàu đến với khu chợ nổi.

“Ghe tàu nhiều, tạo được sự nhộn nhịp của chợ vừa trên sông vừa trên bờ sẽ tạo nguồn lao động cho địa phương và bảo tồn chợ nổi lâu dài,” báo cáo nhấn mạnh.

Nếu không có hành động nhanh chóng, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất trên bản đồ du lịch. Ảnh: KM

Nếu không có hành động nhanh chóng, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất trên bản đồ du lịch. Ảnh: KM

Bên cạnh vấn đề duy trì văn hóa, tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cũng là điều cần giải quyết nhanh chóng để cứu chợ nổi đang “thoi thóp”.

Phó chủ tịch UBND phường Lê Bình đánh giá, một trong những cái khó của chợ nổi hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý khi chưa có quy định cụ thể về kinh doanh trên khu vực đặc biệt này, cũng như chồng chéo quản lý trên một địa bàn.   

Cụ thể, nếu xác định chợ nổi Cái Răng là chợ thì sẽ nằm dưới sự quản lý của bên công thương. Tuy nhiên, quy định hiện nay lại chưa hề có điều khoản về hình thức chợ nổi.

Trong khi đó, nếu xác định chợ nổi Cái Răng theo mảng cung cấp dịch vụ thì một phần của khu vực này sẽ do ngành du lịch quản lý. Tuy nhiên, việc cấp phép cho ghe, xuồng lưu thông, phục vụ du lịch sẽ nằm dưới sự quản lý của các cơ quan bên giao thông vận tải.

 “Giá cả, chất lượng hàng hóa sẽ được quản lý như thế nào. Nếu cấm thì không được vì chúng ta đang cần bảo tồn, nếu cho phát triển thì ai sẽ là người đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm”, ông Nguyện đặt câu hỏi.

Nét văn hóa của chợ nổi là nét văn hóa của cộng đồng buôn bán, giao thương. Do vậy, theo ông Nguyện, cần mở rộng các dịch vụ khác trên bờ để duy trì chợ nổi, phát triển trên bờ để nuôi dưới sông.

“Muốn cởi trói cho doanh nghiệp thì đừng chính trị hóa trong phát triển, tức là cứ phải mô hình này, mô hình kia theo chủ trương. Hãy cứ để doanh nghiệp tự phát triển, miễn sao là đúng luật, đừng ràng buộc doanh nghiệp phải làm cái này, phải làm cái kia,” ông Nguyện nhấn mạnh.

Nếu không có các hành động nhanh chóng, chợ nổi Cái Răng sẽ ngày càng đìu hiu, mất đi những điều thú vị, lạ lẫm và thậm chí, một ngày nào đó biến mất trên bản đồ du lịch miền Tây.

Nếu không có hành động nhanh chóng, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất trên bản đồ du lịch. Ảnh: KM

Nếu không có hành động nhanh chóng, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất trên bản đồ du lịch. Ảnh: KM

Sự bế tắc kéo dài của chợ nổi sẽ nối dài bức tranh cuộc đời xám xịt của nhiều người dân ở đây như bà Loan, như chị Diệu, và thậm chí, phủ bóng lên những mong muốn bình dị của các thế hệ sau này. Ước mong ấy nhiều khi chỉ là được đi học, được có bạn bè xung quanh.

“Ước gì mình được lên bờ để con có người chơi, mà con cũng có bạn nữa. Còn ở đây con không có ai buồn lắm”, đôi mắt chị Diệu nhòe đi, cổ họng nghẹn lại vì chị biết, lên bờ là giấc mơ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.

“Giờ làm gì có tiền mà mua nổi nhà. Giờ mần ăn còn không đủ thì sao nói chuyện mua nhà xa xôi,” chị nói.

Sự bế tắc của chợ nổi và nguy cơ lụi tàn phủ bóng lên những mong muốn bình dị của các thế hệ sau này. Ảnh: KM

Sự bế tắc của chợ nổi và nguy cơ lụi tàn phủ bóng lên những mong muốn bình dị của các thế hệ sau này. Ảnh: KM

*Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews

Bài, ảnh: Kiều Mai
Thiết kế: Diệu Thảo
Ngày: 01/03/2024