Theo báo cáo của VINASA, 92% các doanh nghiệp Việt có mong muốn được chuyển đổi số. Nhu cầu cấp thiết này đã mở ra một thị trường tiềm năng cho cả các doanh nghiệp nội và ngoại chuyên tư vấn, cũng như cung cấp các nền tảng chuyển đổi số.

Dù là một thương hiệu ngoại đã có tuổi đời hơn 30 năm trên thị trường quốc tế, nhưng tại Việt Nam, 1C luôn coi mình là một doanh nghiệp cầu tiến và ham học hỏi, chuyên cung cấp các giải pháp ERP và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.

Ở 1C Việt Nam, có thể tìm thấy sự kết hợp hài hòa giữa đội ngũ chuyên gia công nghệ quốc tế giàu kinh nghiệm với những nhân sự trẻ tuổi và tài năng người Việt. Thậm chí, có những gương mặt như Phạm Hoài Anh đã đảm nhận vị trí Giám đốc thương mại 1C Việt Nam.

Phạm Hoài Anh là một trong những nữ lãnh đạo trẻ tiêu biểu đang điều hành doanh nghiệp công nghệ có 100% vốn nước ngoài. Xuất phát điểm của Hoài Anh là tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học quản lý tại Bỉ và có hơn 8 năm kinh nghiệm quản lý và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

"Để mô tả về lĩnh vực công nghệ, cụ thể là chuyển đổi số, tôi có thể nghĩ đến hai chữ đồng hành"

PHẠM HOÀI ANH

GIÁM ĐỐC THƯƠNG MẠI

1C VIỆT NAM

Bước chân vào lĩnh vực công nghệ, Hoài Anh có những trải nghiệm gì đặc biệt?

Phạm Hoài Anh: Ban đầu tôi cho rằng, một người đã biết làm kinh doanh tốt, thì ngành nào cũng có thể làm được. Nhưng sau khi bước chân vào ngành công nghệ, tôi mới thấy đây là một lĩnh vực cạnh tranh và có tính đặc thù cao.

Nếu để mô tả về lĩnh vực công nghệ, mà cụ thể là chuyển đổi số, tôi có thể nghĩ đến hai chữ "đồng hành". Bởi trong hoạt động chuyển đổi số, 1C Việt Nam không đơn thuần là chỉ bán sản phẩm, mà còn là những khâu quan trọng như: tư vấn chiến lược, giúp triển khai và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp.

Chặng đường này thực sự rất dài và cần có sự đồng hành, tin tưởng lẫn nhau giữa doanh nghiệp cung cấp giải pháp và khách hàng. Thực tế, đã có những doanh nghiệp đồng hành cùng 1C Việt Nam trong suốt 8 năm nay.

Vị trí đầu tiên khi Hoài Anh gia nhập 1C Việt Nam là gì? Hoài Anh có bao giờ nghĩ mình là một người "ngoại đạo"?

Phạm Hoài Anh: Tôi bắt đầu bằng vị trí một chuyên viên tư vấn phát triển kinh doanh. Đương nhiên sẽ có những rào cản về mặt công nghệ, những khái niệm mới. Nhưng mình còn trẻ, còn nhiệt huyết, nên có thể học mọi thứ từ đầu.

Với lĩnh vực chuyển đổi số, để hiểu công nghệ thôi chưa đủ. Công việc đòi hỏi chúng tôi phải hiểu cả mô hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau. Như nói riêng ngành sản xuất đã có nhiều nhóm gồm: nội thất, bao bì, may mặc…

Tôi cảm thấy may mắn vì ngoài sự nỗ lực của bản thân, thì còn có sự hỗ trợ, chia sẻ từ các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đã đi trước. Bên cạnh đó, có thể mình là phái nữ, nên cách tiếp cận các bài toán quản trị trong doanh nghiệp cũng mềm mỏng và uyển chuyển hơn.

Trên hành trình chuyển đổi số tại 1C Việt Nam, Hoài Anh ấn tượng với đối tác nào nhất?

Phạm Hoài Anh: Đó có lẽ là đối tác TONMAT GROUP - doanh nghiệp mà 1C Việt Nam đã đồng hành từ những ngày đầu. Cho tới sau này, khi TONMAT mở rộng quy mô và cần triển khai những bài toán chuyển đổi số lớn hơn, họ vẫn tin tưởng chọn thương hiệu 1C.

Mỗi khi nghe lại những chia sẻ của Chủ tịch TONMAT về quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tôi đều cảm thấy rất khâm phục và trân trọng những khách hàng như vậy. Điều này là minh chứng cho việc, các giải pháp của 1C Việt Nam đang ngày càng trở thành những công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh bền vững trong bối cảnh mới.

Liệu có rào cản nào khi 1C Việt Nam là doanh nghiệp chuyển đổi số có 100% vốn nước ngoài?

Phạm Hoài Anh: Không phủ nhận, các doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam sẽ có những lợi thế nhất định như: am hiểu văn hóa, luật pháp Việt Nam, cũng như dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp trong nước.

Về phần mình, 1C Việt Nam cũng có những lợi thế riêng, như: đội ngũ chuyên gia công nghệ với kinh nghiệm toàn cầu, giá bán "nội địa", tỉ lệ nhân sự người Việt chiếm đến 80%... Thời gian gần đây, 1C cũng tích cực hợp tác sâu hơn với các cơ quan quản lý nhà nước. Sản phẩm của 1C Việt Nam đã được đưa vào trang vàng giải pháp chuyển đổi số do phía cơ quan quản lý công bố.

Nếu đặt 1C Việt Nam cạnh một loạt các doanh nghiệp chuyển đổi số khác, Hoài Anh cho rằng, đâu sẽ là thế mạnh của 1C?

Phạm Hoài Anh: Tôi có thể tự tin về độ đa dạng của các giải pháp chuyển đổi số mà 1C Việt Nam đang cung cấp. Các giải pháp này phù hợp với nhiều quy mô và lĩnh vực, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn lớn.

Hơn hết, giải pháp chuyển đổi số của 1C Việt Nam có khả năng tùy chỉnh cao, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, mở rộng quy mô tức thời của doanh nghiệp. Khoảng 95% các yêu cầu của khách hàng hiện nay đều được 1C Việt Nam đáp ứng kịp thời.

Mặc dù rất "chiều" khách hàng, nhưng không phải yêu cầu nào cũng được 1C Việt Nam làm theo. Đứng trên vai trò là một đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi có trách nhiệm đưa ra lời khuyên và giúp doanh nghiệp quản trị đúng hướng, cũng như đạt hiệu quả cao nhất. 

"Nhà quản trị sẽ thành công nhất khi có thể giúp nhân sự phát huy được tối đa năng lực ở vị trí phù hợp nhất"

1C Việt Nam thường mất bao lâu để theo đuổi và chuyển đổi số cho một khách hàng?

Phạm Hoài Anh: Rất khó để đưa ra một mẫu số chung. Trong số hơn 5.000 doanh nghiệp đã được 1C Việt Nam chuyển đổi số thành công, trường hợp lâu nhất có thể lên đến 2 năm mà khách hàng vẫn chưa thống nhất được khâu thiết kế ý tưởng.

Thông thường, khi 1C Việt Nam chuyển đổi số cho một khách hàng sẽ bắt đầu từ khâu nắm bắt các quy trình vận hành trong doanh nghiệp. Sau đó là thiết kế ý tưởng phần mềm, thí điểm, triển khai và chính thức ứng dụng.

Với khâu thiết kế ý tưởng, khách hàng có thể cảm thấy hài lòng ở giai đoạn này, nhưng sau một thời gian khi doanh nghiệp lớn lên lại xuất hiện thêm các nhu cầu mới. Cứ như vậy, 1C Việt Nam phải thiết kế lại và dẫn đến giải pháp tổng thể vẫn chưa được nghiệm thu. Tất nhiên, quá trình này có thể lâu, nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ từ bỏ.

Không từ bỏ có phải là bí quyết giúp Hoài Anh từ một chuyên viên tư vấn phát triển kinh doanh trở thành lãnh đạo cấp cao của 1C Việt Nam?

Phạm Hoài Anh: (cười) Tôi nghĩ đó là một phẩm chất không thể thiếu của một người lãnh đạo. Bên cạnh đó, kiến thức và khả năng tự học cũng rất quan trọng. Để được khách hàng và nhân viên ghi nhận, bản thân người lãnh đạo phải có bản lĩnh và năng lực.

Ngoài ra, người lãnh đạo cũng cần có nhiệt huyết lớn với công việc. Khi tôi mới bước chân vào 1C Việt Nam, công ty không hề có KPI cho nhân viên kinh doanh. Cá nhân tôi cảm thấy điều này rất lạ. Tôi là người đầu tiên đã tới gõ cửa phòng ban lãnh đạo, xin được nhận KPI với mong muốn có một vị trí và mức đãi ngộ tốt hơn.

Sau này được khi CEO chia sẻ, tôi mới hiểu văn hóa làm việc của 1C Việt Nam là hướng tới sự hài hòa, tránh những xung đột trong nội bộ.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng một doanh nghiệp luôn cần có sự cạnh tranh, thi đua để có thể tăng trưởng. Do đó, tôi luôn đặt ra cho bản thân mình, cũng như các nhân sự bên dưới những mục tiêu để vượt qua.

Chúng tôi đã lan tỏa được nhiệt huyết tới đại đa số các nhân sự trong công ty và 1C Việt Nam luôn giữ được cho mình những năng lượng tích cực.

Từ khi 1C Việt Nam có KPI, văn hóa làm việc ở đây có thay đổi?

Phạm Hoài Anh: Trước đây, 1C Việt Nam chỉ có KPI chung cho cả công ty, mà không có KPI cho từng cá nhân. Nhưng từ khi có sự thi đua trong nội bộ, thì hiệu quả làm việc của các nhân sự đã tăng lên đáng kể.

Còn lại, 1C Việt Nam luôn giữ cho mình một văn hóa được tất cả nhân sự yêu thích, đó là công ty luôn đặt yếu tố con người làm trọng tâm, luôn đảm bảo quyền lợi, đãi ngộ, cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên.

Và đặc biệt là 1C Việt Nam không yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ. Chẳng hạn, nếu tôi có việc gấp cần gọi nhân viên của mình ngoài giờ, sẽ phải bắt đầu bằng việc "…xin lỗi vì phải trao đổi công việc với bạn vào ngày thứ 7".

Là một doanh nghiệp công nghệ, nhưng lại không làm việc ngoài giờ. Hoài Anh có cảm thấy điều này rất lạ?

Phạm Hoài Anh: Đây chính là văn hóa đặc biệt tại 1C Việt Nam, xuất phát từ việc chúng tôi luôn tôn trọng các nhân sự của mình. Trong trường hợp cần làm việc ngoài giờ, lãnh đạo sẽ hỏi ý kiến các nhân sự trước tiên, cho họ tự nguyện lựa chọn, nhưng không bắt buộc.

Đổi lại, nhân sự khi tự nguyện làm việc ngoài giờ sẽ được nghỉ bù, hoặc có chính sách đãi ngộ xứng đáng. Chúng tôi luôn tâm niệm, nhân sự hạnh phúc sẽ đem tới những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Vậy Hoài Anh định nghĩa thế nào là một nhân sự hạnh phúc?

Phạm Hoài Anh: Hạnh phúc thực ra rất khó đong đếm. Nhưng đứng trên cương vị người lãnh đạo, thì có một số tiêu chí để nhận biết. Chẳng hạn, nhân sự khi làm việc, tư vấn cho khách hàng có niềm nở không, có nhiệt huyết không. Hay nhân sự có cởi mở với đồng nghiệp với lãnh đạo không?

Trong đó, sự cởi mở là rất quan trọng. Ở 1C Việt Nam, tôi tin vào việc nhân sự sẽ hạnh phúc nhất khi cởi mở trong việc chia sẻ về quyền lợi, cũng như mong muốn phát triển sự nghiệp ở công ty. Chẳng hạn, nhiều nhân sự trẻ đã chủ động đề xuất mục tiêu đặt ra trong công việc đi cùng quyền lợi tương xứng khi họ đạt được và có đóng góp nhiều cho 1C Việt Nam.

"Ở 1C Việt Nam, tôi tin vào việc nhân sự sẽ hạnh phúc nhất khi cởi mở trong việc chia sẻ về quyền lợi, cũng như mong muốn phát triển sự nghiệp ở công ty"

Có nghĩa cứ tăng lương, tăng quyền lợi là nhân sự sẽ hạnh phúc?

Phạm Hoài Anh: Đó có thể xem là kết quả của sự hạnh phúc. Còn hạnh phúc lại xuất phát từ sự cởi mở, chân thành, bắt nguồn từ chiến lược quản trị mà ở đó, doanh nghiệp dám trao quyền cho các nhân sự, cho phép họ được chia sẻ, được nói ra những ý kiến cá nhân.

Theo tôi, việc trao quyền sẽ giúp cho mỗi nhân sự luôn có những khoảng trống để họ phát triển. Ở các doanh nghiệp truyền thống, đề xuất của một nhân sự sẽ cần phải duyệt qua nhiều lớp lãnh đạo. Tại 1C Việt Nam, việc nêu ý tưởng không khó đến thế, tới nhân viên thực tập cũng có quyền được đề xuất tới trực tiếp ban lãnh đạo.

Khoảng trống để phát triển được Hoài Anh nhắc tới ở đây là gì?

Phạm Hoài Anh: Chính là việc nhân sự sẽ có không gian, cơ hội, để nâng cao trình độ, năng lực, cũng như thu nhập của bản thân. Về phía doanh nghiệp, 1C Việt Nam sẽ có lộ trình thăng tiến cho từng vị trí theo từng năm, tạo điều kiện cho các nhân sự có thể thử sức, chuyển đổi sang các phòng ban khác nhau trong nội bộ.

Tôi luôn tâm niệm, nhà quản trị sẽ thành công nhất là khi có thể giúp nhân sự phát huy được tối đa năng lực ở vị trí phù hợp nhất.

Với những lãnh đạo cấp cao như Hoài Anh ở 1C Việt Nam thì sao, liệu có còn khoảng trống nào để phát triển?

Phạm Hoài Anh: (cười) Hàng năm, 1C Việt Nam sẽ luôn lấy đóng góp, ý kiến của toàn bộ nhân sự không phân biệt cấp bậc. Những ý kiến này được bảo mật và chia sẻ trực tiếp đến lãnh đạo cấp cao nhất là CEO và Giám đốc nhân sự.

Đây có lẽ là điều tôi chưa từng chia sẻ với ai. Trong bản đóng góp ý kiến của năm nay, tôi có thể hiện rõ là mình không mong muốn một vị trí cụ thể nào cả.

Hiện chức danh của tôi ở 1C Việt Nam là Giám đốc thương mại. Nên điều mà tôi mong muốn là trở thành Giám đốc thương mại của một doanh nghiệp thành công và gây dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam. Bởi dư địa của 1C Việt Nam với lĩnh vực chuyển đổi số còn rất lớn, tôi tin doanh nghiệp của mình sẽ mang lại giá trị xuất sắc, vượt ngoài mong đợi cho khách hàng.

Xin cảm ơn Hoài Anh!