Làm du lịch dưới tán rừng:

Xin đừng tham lam!

Với nhiều năm kinh nghiệm thiết kế quy hoạch và xây dựng các khu du lịch sinh thái, Tổng giám đốc Plan8 Lê Tuấn Long cho rằng, nương vào rừng để phát triển du lịch là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có quy hoạch phát triển rõ ràng và cơ sở pháp lý cụ thể để đảm bảo cả hai mục tiêu, vừa phát triển du lịch sinh thái rừng, vừa bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên rừng không bị xâm hại.

KTS. Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Plan8.

KTS. Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Plan8.

Hướng đi tất yếu

Từ một lĩnh vực nhạy cảm thường gây dư luận tiêu cực, mở cửa rừng để làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí đã chính thức được luật hoá thông qua Luật Lâm nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội kinh doanh mới từ việc mở cửa này?

KTS. Lê Tuấn Long: Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã khai thác du lịch dựa trên tài nguyên biển rất nhiều. Hiện những khu vực có bãi biển đẹp đã dần trở nên chật chội, không còn nhiều quỹ đất để phát triển các dự án mới.

Trong khi đó, du lịch sinh thái gắn với núi rừng và trải nghiệm văn hoá bản địa đang là xu hướng rất được du khách ưa chuộng. Hoạt động du lịch này rất phù hợp với việc đi nghỉ dưỡng gần và ngắn ngày.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc sống ngày càng phát triển, càng nhiều áp lực, mệt mỏi, người dân càng có xu hướng được trở về với thiên nhiên để "chữa lành".

Chính vì vậy, những doanh nghiệp nhanh nhạy, nắm bắt được thời cơ đã nhanh chóng quay vào các vùng núi, các hồ lớn có thắng cảnh thiên nhiên đẹp để phát triển du lịch. Tôi cho rằng, đây là xu hướng phù hợp.

Hơn nữa, trong khi du lịch biển tại miền Bắc chỉ hoạt động được khoảng 4 - 5 tháng hè, còn lại là hầu như không kinh doanh được do khí hậu lạnh, thì du lịch núi rừng là loại hình bền vững quanh năm.

Dự án nghỉ dưỡng trong rừng từng gây tranh cãi vì nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng

Dự án nghỉ dưỡng trong rừng từng gây tranh cãi vì nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng

Tuy nhiên, khác với các hình thái du lịch khác, du lịch gắn với rừng là một vấn đề rất nhạy cảm, từng bị dư luận phản đối gay gắt do lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của rừng.

Cần phải khẳng định rằng, tài nguyên rừng của Việt Nam là vô cùng quý giá, bất cứ điều gì tác động ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến rừng đều có thể để lại hậu quả lớn và khó phục hồi.

Để có được một cánh rừng phải mất vài chục năm. Để phát triển một khu rừng nguyên sinh, mất đến hàng nghìn năm. Nếu không được bảo vệ, đó không chỉ là diện tích rừng bị mất mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật, nguồn nước đầu nguồn và nguy cơ gây sạt lở...

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, sau giai đoạn chiến tranh và phục hồi kinh tế từ giữa thế kỷ trước, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam đã mất đi đáng kể. Tại nhiều thời điểm, Chính phủ và nhiều địa phương đã quyết định đóng cửa rừng để bảo tồn, do "không quản được nên cấm" để tránh những hậu quả lâu dài.

Đến thời điểm hiện tại, do nhu cầu phát triển du lịch và kinh tế, xã hội của đất nước, Việt Nam đã quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái rừng. Một số văn bản pháp luật như Luật Đất đai 2013, Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156/2018 đã cho phép và hướng dẫn các chủ rừng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Có thể nói, đây là một chủ trương đúng đắn, hướng đi tất yếu để nâng cao nguồn tài chính cho chủ rừng. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch dưới tán rừng cần một hành lang pháp lý chặt chẽ và một tầm nhìn tổng quát, dài hạn để doanh nghiệp, người dân dựa vào đó phát triển du lịch, nhằm ít gây tác động tiêu cực đến môi trường rừng.

Nhưng muốn làm du lịch trong rừng thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở lưu trú, khi đó, môi trường rừng sẽ bị ảnh hưởng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

KTS. Lê Tuấn Long: Để phát triển khu du lịch sinh thái rừng, chủ đầu tư dự án có hai phương án lựa chọn là thuê môi trường rừng hoặc chuyển đổi một phần đất rừng sang mục đích khác để xây dựng các công trình lưu trú và dịch vụ.

Trong trường hợp chỉ thuê môi trường rừng, dự án sẽ phải tuân thủ Nghị định 156 với các quy định về mật độ, chiều cao công trình không quá 12 mét, không được xây dựng kiên cố mà sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường...

Quy mô dự án nhỏ, chỉ xây dựng trên các khoảng trống, đảm bảo "chạm" đến rừng ít nhất có thể, hạn chế thấp nhất những tác động đến môi trường.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với núi rừng.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với núi rừng.

Phương án thứ hai, thay vì cho thuê toàn bộ môi trường rừng để phát triển dự án du lịch, một số địa phương đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất rừng theo các quy hoạch quản lý đất đai và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Khi được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án có thể được cấp phép đầu tư xây dựng khu du lịch đồng bộ và đầy đủ tiện ích phục vụ khách du lịch, theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Xây dựng, tương tự các bất động sản nghỉ dưỡng không gắn với rừng.

Tuy nhiên, với cách làm này, địa phương sẽ phải xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như đảm bảo rất nhiều tiêu chí như có đề xuất dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Bên cạnh đó, quan điểm của Chính phủ trong việc kinh doanh du lịch trong rừng không làm mất đi quyền sở hữu của nhà nước đối với rừng, không làm mất rừng cũng là yếu tố khiến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng khó khăn hơn. 

Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều dự án đã không còn lựa chọn phương án chuyển đổi một phần đất rừng để xây dựng các công trình lưu trú và dịch vụ, mà đi theo hướng thuê môi trường rừng.

Nếu chỉ thuê môi trường rừng, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liệu các dự án có thể phát triển những khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng đủ quy mô, tạo hiệu quả kinh doanh?

KTS. Lê Tuấn Long: Thực tế cho thấy, không ít dự án đều mong muốn chuyển đổi mục đích rừng để phát triển dự án du lịch. Khi được cho phép chuyển đổi mục đích, không còn là đất rừng, dự án sẽ được xây dựng những khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn kiên cố mà không phải tuân thủ theo quy định khắt khe của Nghị định 156 về diện tích, chiều cao công trình.

Điều này sẽ thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại rằng, có nhất thiết phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng mới có thể phát triển những khu nghỉ dưỡng cao cấp, đắt đỏ hay không?

Điều này là không hẳn.

Trên thế giới, rất nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng thuê môi trường rừng đã đạt đến đẳng cấp 5 - 6 sao. Ngay tại Campuchia, khu nghỉ dưỡng Shinta Mani Wild với quy mô 15 căn lều trên diện tích 350ha, nhưng có giá lên tới hàng trăm triệu đồng một đêm.

Hoặc tại Bali, khu nghỉ dưỡng Capella Ubud với 22 căn lều và cũng có giá 50-70 triệu đồng/đêm.

Rõ ràng việc phát triển khu du lịch có quy mô to hay nhỏ không quyết định cấp độ sang trọng, đẳng cấp của một dự án và lợi ích kinh tế nó mang lại. Điều này phụ thuộc vào ý tưởng, mô hình sản phẩm, cách kể chuyện của dự án với khách du lịch.

Du lịch dưới tán rừng đang trở thành xu hướng được khách du lịch ưa thích

Du lịch dưới tán rừng đang trở thành xu hướng được khách du lịch ưa thích

Rất nhiều khu nghỉ dưỡng dưới tán rừng đẳng cấp trên thế giới chỉ có quy mô vài ngôi nhà gỗ, hoặc lều trên cây nhỏ. Những khu nghỉ dưỡng này luôn kín phòng, du khách phải đặt trước hàng tháng trời để vào nghỉ.

Muốn vào được đó, khách du lịch không chỉ phải trả một khoản tiền lớn mà còn phải có sức khoẻ để đi bộ, tham gia các hoạt động trong rừng.

Mặt khác, cần phải hiểu bản chất của du lịch rừng. Khách du lịch vào rừng không phải để hưởng những tiện nghi của đô thị, mà để trải nghiệm sự "tiện nghi" của rừng.

Đó là oxi, không gian thoáng đãng, hoang dã, môi trường tự nhiên với hệ động thực vật, không gian yên tĩnh cách biệt, nguyên bản, tách khỏi cuộc sống thông thường.

Chính vì vậy, nếu vào rừng nhưng lại cho phép các dự án chuyển đổi mục đích tràn lan, xây dựng các dự án kiên cố, bê tông hoá theo cách thông thường, thì đó là điều trái logic.

Khi được chuyển đổi mục đích, diện tích đó cũng không còn là đất rừng mà trở thành đất thương mại dịch vụ, được xây dựng như những khu du lịch thông thường.

Đây là cách làm "phổ thông hoá" du lịch rừng, không còn đúng nghĩa là nghỉ dưỡng dưới tán rừng, mà là lợi dụng rừng để làm kinh doanh du lịch.

Dấu hỏi về "tâm và tầm"

Có ý kiến cho rằng, phát triển du lịch sinh thái sẽ tác động tiêu cực đến rừng và môi trường sinh thái, nhưng cũng có quan điểm ủng hộ việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sẽ giúp bảo vệ và giữ rừng cho tương lai.

Theo ông, làm thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ rừng? Việc phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng nên theo hướng nào?

KTS. Lê Tuấn Long: Phải thừa nhận một thực tế rằng, Việt Nam không còn nhiều rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh, có chất lượng cao. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch dưới tán rừng cần hết sức cân nhắc và cẩn trọng. Nếu không sẽ để lại hệ lụy rất lớn.

Bên cạnh hành lang pháp luật, Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch dưới tán rừng giống như vai trò của “nhạc trưởng” để các doanh nghiệp, chủ đầu tư có định hướng rõ ràng trong việc triển khai dự án.

Rừng cần được quy hoạch rõ ràng, khu vực nào nên khai thác, mức độ khai thác ở cấp độ nào? Doanh nghiệp muốn phát triển du lịch cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

Quan điểm chung là tác động ít nhất đến tài nguyên rừng, nhưng phát triển được những dự án có giá trị, mang lại lợi ích cao nhất.

Trái lại, các hoạt động phát triển du lịch rừng theo cách phổ thông, xô bồ, quá đông đúc, nhộn nhịp, chiếm mật độ xây dựng lớn, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường rừng cần được ngăn chặn từ sớm.

Bên cạnh đó, ngoài một số dự án, khu vực nhất định cho phép chuyển đổi đất rừng để phát triển dự án nghỉ dưỡng, tôi cho rằng, phần lớn các dự án nghỉ dưỡng dưới tán rừng nên đi theo hướng thuê môi trường rừng.

Nguyên tắc làm du lịch dưới tán rừng là cho thuê môi trường rừng chứ không cho thuê đất rừng. Các doanh nghiệp cần hiểu đúng tính chất của điều này để có hướng phát triển phù hợp.

Các dự án thuê môi trường rừng chỉ được xây dựng trên đất trống, trảng cỏ, không được chặt cây, tác động đến hệ sinh thái.

Đơn cử như với những nơi có thắng cảnh kỳ vĩ, độc đáo, quý giá, các doanh nghiệp có thể định hướng để cho du khách vào trải nghiệm, hoặc chỉ dựng những mô hình lều trại nhỏ, nhà trên cây, nương vào rừng.

Còn lại, khu vực lưu trú, phụ trợ sẽ nằm ở khu vực ngoài, thay vì tư duy chiếm hữu, muốn xây dựng cả biệt thự nghỉ dưỡng trong khu vực đó. Mật độ xây dựng càng cao, sẽ càng ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường rừng.

Thậm chí, chỉ cần một con đường nhỏ trong rừng hay ánh sáng từ các phòng khách sạn vào ban đêm, tiếng ồn từ du khách cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, các con vật mà rất khó tính toán cụ thể.

Do đó, việc hạn chế các khu vực được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ sẽ đảm bảo hạn chế tác động đến rừng. Tuy nhiên, nếu biết cách phát triển dự án thuê môi trường rừng, như kinh nghiệm thế giới, sự tác động đến rừng là thấp nhất, nhưng mức lợi nhuận doanh nghiệp thu về sẽ đạt cao nhất.

Du lịch trong rừng cần đảm bảo "chạm" ít nhất vào tự nhiên.

Du lịch trong rừng cần đảm bảo "chạm" ít nhất vào tự nhiên.

Với những yêu cầu khác biệt, khắt khe về điều kiện xây dựng dự án dưới tán rừng như ông vừa phân tích, có thể thấy, đây không phải lĩnh vực đầu tư dễ dàng với các doanh nghiệp?

KTS. Lê Tuấn Long: Du lịch dưới tán rừng là lĩnh vực không dễ, đặc biệt là đối với các dự án thuê môi trường rừng. Nó không giống như xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng khác trên đất thương mại dịch vụ.

Ngoài ra, về mặt pháp lý vẫn còn chưa rõ ràng về tiêu chuẩn lập quy hoạch dự án, mật độ tối đa hay quy định cụ thể đơn vị nào có thẩm quyền cấp phép xây dựng cho dự án thuê môi trường rừng. Hy vọng nghị định mới thay thế Nghị định 156 hiện nay sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.

Khi thuê môi trường rừng, doanh nghiệp không thể thế chấp dự án để huy động vốn. Mặt khác, từ khâu lên ý tưởng, thiết kế dự án đến thi công xây dựng cũng đòi hỏi sự kỳ công, tâm huyết và thực sự "có gu" nếu muốn hấp dẫn được khách du lịch.

Nó đòi hỏi chủ đầu tư phải có nguồn lực, có tâm, tầm và xác định đầu tư dài hơi, "bỏ tiền chẵn để thu tiền lẻ".

Nhưng nếu được quy hoạch tốt, đây sẽ là những khu nghỉ dưỡng rất có giá trị, vừa bảo vệ được hệ sinh thái rừng, vừa mang lại nguồn lợi ổn định cho chủ đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Thu Phương
Xuất bản: 8/11/2023
Thiết kế: TheLEADER