Cuối tháng trước, Tập đoàn The Anam đã khai trương Axi Plaza – trung tâm mua sắm, giải trí và hội nghị lớn nhất Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cơ sở vật chất tại trung tâm này, bao gồm hội trường, phòng tiệc lớn cùng nhiều không gian cho sự kiện ngoài trời, được xây dựng và thiết kế với mục tiêu thu hút khách MICE tới Cam Ranh, điểm đến hấp dẫn còn nhiều tiềm năng.

MICE là hoạt động du lịch kết hợp cùng hội thảo, hội nghị và sự kiện phục vụ cho đối tượng khách là những doanh nghiệp cùng đối tác và nhân viên.

Đây là lượng khách quan trọng đối với du lịch Việt Nam nhờ mức chi tiêu cao hơn, thời gian lưu trú dài hơn và không bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ.

Đơn cử, khách MICE đã giúp Thanh Hóa chỉ mất nửa năm để hoàn thành 3/4 mục tiêu số lượng khách vào năm 2022.

Dự báo, mảng du lịch MICE của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép 5% mỗi năm, theo dự báo từ tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence.

Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể khai thác được tiềm năng từ phân khúc này.

Đoàn khách MICE gần 500 người đến TP.HCM tháng 7/2023. Ảnh: ASIA DMC

Đoàn khách MICE gần 500 người đến TP.HCM tháng 7/2023. Ảnh: ASIA DMC

TĂNG TRƯỞNG TỐT TỪ KHÁCH MICE

Ông Paul Cunningham, Giám đốc cấp cao Khối Vận hành IHG tại khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết, từ đầu năm tới nay, lượng khách MICE tới hệ thống khách sạn của thương hiệu này tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến còn tăng hơn nữa.

Nhu cầu lớn đến từ các thị trường ngắn tuyến truyền thống trên khắp Đông Nam Á, bao gồm Singapore và Malaysia.

Bên cạnh đó, kết nối hàng không ngày càng tăng đã giúp nhu cầu từ các thị trường như Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ nhiều hơn.

Các khách du lịch đi theo hình thức MICE thường lưu trú 3 – 4 đêm và có thể chi tiêu nhiều hơn 50% so với khách du lịch cá nhân, do họ sử dụng nhiều dịch vụ và hàng hóa hơn.

“Chúng tôi nhận thấy, du lịch MICE cao điểm thường không trùng với mùa cao điểm du lịch truyền thống. Điều này giúp mang lại dòng thu nhập ổn định hơn cho doanh nghiệp khách sạn trong suốt cả năm”, ông cho biết thêm.

Cùng quan điểm, bà Céline Guyomarc´h, Tổng quản lý các khách sạn Melia Vinpearl miền Bắc, cho hay, vì chương trình được tổ chức chi trả nên khách du lịch MICE thường có khuynh hướng chi tiêu cao hơn khách du lịch thông thường.

Yếu tố này sẽ tạo nên tiềm năng phát triển cho các dịch vụ trải nghiệm ẩm thực và doanh thu lưu trú tại khách sạn.

Thêm vào đó, họ chủ yếu là những khách công tác và doanh nhân, góp phần tạo thêm cho các nhà cung cấp dịch vụ MICE cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, chi nhánh công ty mới.

Bên cạnh số lượng khách lớn, nhu cầu du lịch MICE không phụ thuộc vào mùa so với du lịch thuần túy, hạn chế được tính thời vụ.

Tại Meliá Vinpearl Hải Phòng Rivera, các đoàn khách lưu trú trung bình 3 – 4 ngày và tập trung vào hạng phòng cao cấp, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn FDI như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông hay các công ty cảng biển lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Sau Covid-19, cơ hội tăng trưởng và thực hiện các khách đoàn MICE rất lớn. Ảnh: Vietravel

Sau Covid-19, cơ hội tăng trưởng và thực hiện các khách đoàn MICE rất lớn. Ảnh: Vietravel

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, lượng khách MICE kể từ đầu năm tới nay tăng trưởng nhất định so với cùng kỳ năm trước và đã quay trở lại con số thời kỳ trước Covid-19.

Thị trường khách MICE chủ yếu đến từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trong ngành bảo hiểm, ngân hàng, chăn nuôi, phân bón.

Các doanh nghiệp này thường có nhu cầu lớn về tổ chức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện cũng như chương trình khuyến mãi dành cho cán bộ nhân viên và các đại lý.

Các tuyến điểm du lịch trong nước được khách hàng MICE ưu tiên lựa chọn là Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng – Hội An, Hồ Tràm…

Đối với du lịch nước ngoài, các doanh nghiệp thường chọn lựa đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Một số du khách cũng ưu tiên lựa chọn thị trường xa như Úc, Mỹ, Nam Âu, Bắc Âu.

Bà Khanh cho biết thêm, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp tập trung vào phần đẩy mạnh kinh doanh và phát triển các sản phẩm du lịch MICE nên cơ hội tăng trưởng và thực hiện các khách đoàn MICE là rất lớn.

Mới đây, Vietravel cùng Vietnam Airlines, VinGroup, SunGroup và các hãng lữ hành của Ấn Độ đã thực hiện nghi thức phát động điểm đến Việt Nam tại thủ đô Delhi.

Các bên sẽ hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam và Ấn Độ ở cả hai nước, đồng thời, tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch nhằm khai thác hiệu quả các đường bay và sản phẩm du lịch của các đơn vị.

Giám đốc Vietravel Ấn Độ Hoàng Đại Ngải cùng Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ khai trương văn phòng thông tin du lịch Việt Nam tại Ấn Độ. Đây cũng là thị trường khách MICE tiềm năng tới Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Giám đốc Vietravel Ấn Độ Hoàng Đại Ngải cùng Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ khai trương văn phòng thông tin du lịch Việt Nam tại Ấn Độ. Đây cũng là thị trường khách MICE tiềm năng tới Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh quy mô số lượng khách lớn, nhu cầu du lịch MICE không phụ thuộc vào mùa so với du lịch thuần túy

Bên cạnh quy mô số lượng khách lớn, nhu cầu du lịch MICE không phụ thuộc vào mùa so với du lịch thuần túy

ĐỂ 'ĐÀO VÀNG' HIỆU QUẢ

Ông Laurent Myter, Tổng quản lý The Anam, lưu ý, ngoài tiềm năng thu hút khách MICE, cần tính toán và chuẩn bị để giải quyết những thách thức khi đưa nguồn khách này tới Việt Nam trong dài hạn. Những thách thức này có thể đến từ các xu hướng mới nổi cùng các thị trường mới trong tương lai.

Lịch sử đã chứng minh khi những điểm đến của khách MICE tiêu biểu trong giai đoạn từ thập niên 80, 90 tới những đầu năm 2000 đang gặp khó khăn vì những lý do này.

Đơn cử, Pattaya tại Thái Lan là điểm đến MICE phổ biến đầu những năm 2000 nhưng sự dịch chuyển trong nhu cầu của khách hàng đã làm giảm số lượng thị trường nguồn khách MICE của điểm đến này chỉ còn lại hai.

“Ngoài ra, thị trường khách MICE nội địa cũng rất quan trọng và không nên bỏ qua”, ông Laurent lưu ý thêm.

Đối với du lịch khách đoàn MICE, điều cần lưu ý là các doanh nghiệp và tổ chức luôn luôn yêu cầu sự chuyên nghiệp, linh hoạt và cá nhân hóa cao từ các đơn vị tổ chức tour, bà Khanh, đại diện Vietravel, cho biết.

Thời gian chuyến đi của khách MICE thường linh hoạt, có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần tùy thuộc vào nội dung và mục đích của chương trình.

Họ thường ưa chuộng các khu nghỉ dưỡng cao cấp hoặc các khách sạn sang trọng, đồng thời có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp như phòng họp, thiết bị hội nghị, dịch vụ ăn uống đa dạng và tổ chức sự kiện.

Còn nhiều rào cản để doanh nghiệp có thể khai thác hết tiềm năng khách MICE. Ảnh: Saigontourist

Còn nhiều rào cản để doanh nghiệp có thể khai thác hết tiềm năng khách MICE. Ảnh: Saigontourist

Theo bà Khanh, một số khó khăn trong xúc tiến và tổ chức các đoàn khách MICE bao gồm đối phó với biến động trong chính sách du lịch, cạnh tranh khốc liệt từ các điểm đến khác.

Cùng với đó, thách thức đến từ việc đáp ứng các yêu cầu đặc biệt và cá nhân hóa của từng nhóm khách.

Để giải quyết những khó khăn này, ở góc nhìn của Vietravel, cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị du lịch, cơ quan chính phủ và các tổ chức đại diện của ngành du lịch để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch MICE.

Đồng thời, việc xây dựng mối quan hệ tin cậy với các đối tác và khách hàng trong lĩnh vực MICE cũng là chìa khóa để thành công trong việc thu hút và tổ chức các chương trình MICE.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết, các bên liên quan luôn đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong các chương trình xúc tiến như gửi giới thiệu tới các cơ quan ngoại giao tại các nước, các doanh nghiệp để giới thiệu dịch vụ cho khách MICE.

Bà Thanh khuyến nghị, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các gói khuyến mãi cụ thể, hấp dẫn dành cho từng đối tượng, từng thị trường và giới thiệu tại những cuộc gặp gỡ các bên.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, do đó các hội nghị quốc tế diễn ra thường xuyên.

Loại hình hội nghị quốc tế cũng rất đa dạng, từ tham vấn, thảo luận đến diễn đàn, hội thảo, triển lãm, hội chợ, hội nghị với số lần được tổ chức lên tới hàng trăm, hàng nghìn lần mỗi năm. Những sự kiện này có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, cần phải xin phép trước khi muốn tổ chức hội nghị quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, với các hội nghị, hội thảo quốc tế mong muốn tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam, đơn vị tổ chức phải gửi đầy đủ hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho cơ quan có thẩm quyền trong thời gian trước ít nhất 30 – 40 ngày.

“Quy định sửa đổi đi ngược thời đại so với thực tế các hội nghị, hội thảo quốc tế gần đây đang ngày càng diễn ra thường xuyên tại Việt Nam”, các doanh nghiệp nước ngoài phản hồi.

Họ cho rằng, quy định thông báo việc tổ chức sẽ thỏa đáng hơn là quy định cấp phép và đề nghị Việt Nam bãi bỏ quy định sửa đổi này để hội nghị, hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức tích cực và thường xuyên hơn tại Việt Nam.

Bài viết: Kiều Mai
Thiết kế: TheLEADER
Ngày: 22/05/2024