DÒNG CHẢY CÔNG NGHỆ

TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Cách đây một năm, chúng tôi từng giới thiệu nền tảng giúp đả thông nền kinh tế, khi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh rơi vào trạng thái thiếu room tín dụng. Doanh nghiệp muốn vay ngân hàng cũng không thể vay được.

Chưa đầy mười hai tháng sau, tình trạng này đã hoàn toàn đảo ngược, khi tiền đang ách tắc trong khối ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn, vì không có cơ hội phát triển, kinh doanh. Sự thay đổi đột ngột này khiến các nhà quản trị rơi vào thế không kịp trở tay.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tâm sự với tôi rằng, họ thực sự không biết phải làm gì trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Xông lên, hay phòng thủ? Tiếp tục mở rộng kinh doanh, hay chỉ tập trung vào các khách hàng thân thiết?

Dù chọn phương án nào, việc đưa ra quyết định là không hề dễ dàng. Bởi sau lưng mỗi lãnh đạo doanh nghiệp là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn gia đình.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc FPT Information System (FPT IS)

HOÀI NGHI

Giá lương thực, thực phẩm đang ở mức cao trên khắp thế giới. Sự quay trở lại của hiện tượng EI Nino. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu

PHÂN MẢNH

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc IMF cảnh báo tình trạng phân mảnh của thương mại có thể gây tổn thất lên đến 7% GDP toàn cầu

ỨNG PHÓ VỚI THẾ GIỚI

HOÀI NGHI VÀ PHÂN MẢNH

Khép lại quý 3/2023 với một kết quả kinh doanh vững vàng, khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 17.100 tỷ đồng, nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc khối CNTT ngân hàng này tin rằng, 2023 vẫn là một năm đầy khó khăn.

"Đặt trong bối cảnh thử thách, đa số doanh nghiệp sẽ chọn phương án bảo toàn. Còn tại Techcombank, càng giai đoạn khó khăn, tôi tin rằng càng nên đầu tư mạnh hơn, táo bạo hơn và hướng tới chiều sâu của tổ chức. Trong đó, công nghệ là yếu tố ưu tiên hàng đầu", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Techcombank, quyết định ưu tiên đầu tư vào công nghệ không đến từ cảm tính, mà xuất phát từ dữ liệu lịch sử trước đây, để từ đó đơn vị này thấu hiểu, đồng hành cùng các khách hàng cá nhân, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp.

"Chúng tôi nhận ra, gốc rễ của một ngân hàng là đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp. Đặc thù thị trường Việt Nam là các doanh nghiệp SME, nhưng đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi các biến động nhất", Giám đốc khối CNTT Techcombank nhấn mạnh.

Năm 2023, Techcombank đã tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính gồm: thanh toán dễ dàng, tiện lợi; tối ưu hóa dòng tiền để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn; chính sách bảo lãnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi giao dịch quốc tế.

Chìa khóa giúp Techcombank hiện thực hóa các giải pháp này là quyết định đầu tư về hạ tầng, công nghệ.

"Nói tới doanh nghiệp là phải đi đôi với công nghệ. Ngược lại, công nghệ trở thành công cụ xây dựng niềm tin ở tổ chức tín dụng với khách hàng", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn lấy dẫn chứng về nhóm giải pháp đơn giản hóa quy trình thanh toán. Ngoài tạo ra phương thức QR Code cho doanh nghiệp, Techcombank còn xây dựng cả một hệ sinh thái để doanh nghiệp có thể chi trả thuế, phí, tiền vận chuyển… tất cả trên duy nhất một ứng dụng di động, mà không tốn thời gian đi lại, hay quy trình phức tạp.

Hay những giải pháp tối ưu dòng tiền, Techcombank sử dụng công nghệ tương tự các tổ chức uy tín khác như: Amazon, Grab, hay Gojek để giúp doanh nghiệp nhận biết, quản lý được dòng tiền, đi kèm với các phương án tiết kiệm, sinh lời trong hàng tháng, hàng quý…

"Đó là những ví dụ cho sự đầu tư quyết liệt vào công nghệ. Mà tôi chắc chắn rằng, ngay tại các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay cũng đang nỗ lực triển khai để phục vụ mục tiêu chung là phát triển và tối ưu hóa chi phí", lãnh đạo Techcombank nhận định.

Item 1 of 2

CÔNG NGHỆ "THỔI HỒN"

VÀO LĨNH VỰC KHÔ KHAN

Không chỉ có ngành ngân hàng, mà ngành gỗ của Việt Nam cũng đang tích cực chuyển động cùng công nghệ. Thành lập từ cách đây hơn 30 năm, Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA (AA Corporation) được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất cao cấp và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tại Việt Nam.

Không phủ nhận ngành gỗ đang gặp những khó khăn trong ngắn hạn như: lượng đơn hàng xuất khẩu suy giảm, nhiều nhà máy gỗ đóng cửa sau Tết âm lịch, nhưng ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation vẫn tin rằng đây là ngành mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế.

"Trong 18 năm tôi làm nghề, chưa bao giờ ngành gỗ tăng trưởng dưới 15%. Có thể nói, ngành gỗ Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ trồng rừng, đến chế biến sản phẩm, dịch vụ", ông Nguyễn Quốc Khanh khẳng định.

Theo ông Khanh, chuỗi cung ứng này đang ngày càng được hoàn thiện, một phần đến từ quyết tâm đổi mới của các doanh nghiệp ngành gỗ, phần còn lại đến từ yếu tố công nghệ đã và đang được áp dụng tại các doanh nghiệp từ nhiều năm nay.

"Hàng chục năm làm nghề giúp chúng tôi đúc rút ra kinh nghiệm, đó là phải quản trị được rủi ro, vì liên tục ra mắt sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa kể nâng cao chất lượng, cũng như phục vụ các yêu cầu từ phía đối tác", Chủ tịch AA Corporation chia sẻ.

Ông Khanh gọi đây là một loạt những bài toán phức tạp chỉ có thể giải quyết bằng công nghệ. Như việc sử dụng, phân tích dữ liệu để đảm bảo được năng lực sản xuất và giá thành cạnh tranh. Hay sử dựng công nghệ vào hoạt động quản trị toàn bộ việc vận hành nhà máy, doanh nghiệp, nhân sự.

Đứng ở vai trò là đối tác lâu năm song hành cùng AA Corporation, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc FPT IS tin rằng, đây là một câu chuyện thú vị về dòng chảy công nghệ tại một lĩnh vực vốn rất khô khan.

"Phức tạp là điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến, khi làm việc cùng AA Corporation. Cùng lúc họ giải quyết quá nhiều bài toán, từ ý tưởng, lên ngân sách, phương án sản xuất, cho tới triển khai. Mà mỗi bài toán này có một góc nhìn và luồng thông tin khác nhau", ông Nguyễn Hoàng Minh nhận xét.

Chìa khóa lúc này chỉ có thể là công nghệ. Đó là làm thế nào để liên thông được dữ liệu giữa các bộ phận, giúp những người thợ này có thể nói cùng với nhau một loại "ngôn ngữ" và tiếp ứng các hành động với nhau cùng lúc.

"Giả sử đội thi công nói sản phẩm bị làm sai, hoặc chủ nhà không ưng ý. Vậy làm thế nào để thông tin đó quay ngược trở lại bộ phận thiết kế? Và nếu đội thiết kế có thể chỉnh sửa được thì thông tin sẽ chuyển tiếp sang bộ phận sản xuất thế nào? Tính toán tiến độ ra sao, chi phí bao nhiêu để sửa sản phẩm?

Nếu theo phương thức truyền thống là các bên email, gọi điện, ghi chép ra giấy, chắc chắn chu trình này có thể mất tới vài tuần, mà chưa chắc các bộ phận đã hiểu ý nhau. Còn với công nghệ và sức mạnh của dữ liệu, chu trình này diễn ra thuận lợi, khách hàng được giải quyết vấn đề, các bộ phận đều vui vẻ", Tổng giám đốc FPT IS diễn giải.

Đồng tình với góc nhìn của ông Nguyễn Hoàng Minh, Chủ tịch AA Corporation cho rằng dòng chảy công nghệ tới đây sẽ còn "thổi hồn" vào ngành gỗ vốn khô khan.

"Thế giới đã tạo ra được những con chip tích hợp vào các sản phẩm như bàn, ghế, ghi lại những cuộc nói chuyện giữa người thân trong gia đình, để hàng chục năm sau người ta có thể nghe lại. Hoặc AI sẽ giúp tạo ra các sản phẩm trở thành xu hướng trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thị trường đang thay đổi rất nhanh, thì công nghệ là cách duy nhất giúp doanh nghiệp đạt được những thành tựu này", ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.

Item 1 of 2

DỮ LIỆU GIÚP NHÀ QUẢN TRỊ

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH

Câu chuyện của Techcombank và AA Corporation là hai trong số rất nhiều hình thái của dòng chảy công nghệ hiện diện ở một doanh nghiệp. Nếu ở Techcombank là việc sử dụng công nghệ, dữ liệu để thấu hiểu và nâng cao trải nghiệm khách hàng, thì với AA Corporation là quản trị rủi ro và vận hành sản xuất.

"Dù là hình thái nào, thì những dòng chảy công nghệ này đều bắt nguồn từ một yếu tố căn cơ nhất. Đó là giúp nhà quản trị đưa ra được quyết định nhanh chóng, với đầy đủ góc nhìn từ tổng quan cho tới chi tiết", Tổng giám đốc FPT IS đánh giá.

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động không ngừng, việc đưa ra được quyết định từ lãnh đạo doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Hơn bao giờ hết, tính sẵn sàng, kịp thời và một nền tảng phân tích dữ liệu thông minh là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang còn thiếu.

Theo ông Minh, với công nghệ và dữ liệu, lãnh đạo doanh nghiệp giờ đây có thể đưa ra được quyết định thông qua ba bước.

Bước một, khi có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp sẽ nhận diện được vấn đề nằm ở đâu. Bước hai, khi đã nhận diện được vấn đề, sẽ có phương án để hành động cụ thể. Bước ba, khi hành động được đưa ra sẽ nhìn được trực tiếp kết quả.

Và ngay cả trong trường hợp kết quả trả về không giống như kỳ vọng, thì lập tức sẽ có cơ hội để sửa sai, vì công nghệ đã và đang tạo ra một lợi thế cho doanh nghiệp chính là tốc độ xử lý nhanh chóng.

Dẫn chứng câu chuyện tại FPT IS, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trước đây để tham gia nghiên cứu và phát triển một công nghệ mới, doanh nghiệp mất khoảng 6-9 tháng. Nhưng hiện giờ toàn bộ quy trình này được rút gọn xuống 3 tháng nhờ ứng dụng và phân tích dữ liệu chuyên sâu.

Xu hướng hiện nay là tốc độ doanh nghiệp ra quyết định và khả năng cập nhật, theo dõi kết quả của quyết định đó.

"Nếu sau 3 tháng chúng tôi sai vẫn có thể làm lại, còn để tới 9 tháng mới nhận ra mình sai thì đồng nghĩa thất bại hoàn toàn. Một điều chúng tôi học được, là thế giới hiện nay không còn chạy theo mẫu hình tuyệt đối, mà chạy theo tốc độ phản ứng của doanh nghiệp với biến động đó", ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.

Như trong hoạt động bán hàng, lãnh đạo FPT IS đặt câu hỏi, làm thế nào để biết thời điểm doanh nghiệp cần giảm giá? Giảm giá bao nhiêu phần trăm sẽ đủ cạnh tranh? Chi ra bao nhiêu cho ngân sách quảng cáo là hợp lý? Làm sao để đưa ra quyết định ở đây?

Câu trả lời chính là công nghệ và dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, câu chuyện dữ liệu tại các doanh nghiệp Việt Nam vốn không phải vấn đề cao siêu. Mấu chốt là nhiều doanh nghiệp dù sở hữu một kho dữ liệu khổng lồ, nhưng lại chưa biết cách tận dụng, khai thác thế nào cho hiệu quả.

"Chưa kể, sau này khi hợp tác với các doanh nghiệp khác sẽ lại có nhiều dữ liệu hơn nữa. Lúc này, tính liên thông và khả năng phân tích dữ liệu cực kỳ quan trọng", ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

QUYẾT LIỆT

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một quyết định được đưa ra nhanh chóng có thể cứu sống cả triệu người
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT

SONG HÀNH

Tôi thích gọi các khách hàng của mình là những đối tác đồng hành phát triển kinh doanh, luôn luôn đề cao sự song hành tuyệt đối
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT IS

Người đứng đầu FPT IS tin rằng, chuyển đổi số bản chất là một dòng chảy tự nhiên đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp từ lâu. Chỉ có điều, nhu cầu sử dụng dữ liệu ở các doanh nghiệp này đã và đang thay đổi trong bối cảnh mới.

"Ngày xưa, doanh nghiệp chỉ có nhu cầu giải quyết từng bài toán cụ thể, có thể là bán hàng, kế toán, quản lý kho. Nhưng ngày nay bài toán đặt ra với doanh nghiệp phức tạp hơn, khái quát hơn, thậm chí là liên thông với yếu tố vĩ mô nhiều hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc, thay vì riêng lẻ từng vấn đề", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Xu hướng này theo ông Nguyễn Hoàng Minh không chỉ đúng với các doanh nghiệp, mà còn đúng với cả các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước với mô hình quản trị dữ liệu tập trung, giúp các lãnh đạo địa phương, ban, ngành có được chỉ đạo tức thời, hiệu quả.

"Tôi rất thích một quan điểm ở Mỹ, đó là không có một mô hình kinh doanh nào không áp dụng chuyển đổi số, cũng không có một lãnh đạo nào không am hiểu công nghệ số, và càng không có sản phẩm mới nào được đưa ra mà không có yếu tố công nghệ. Ngay lúc này, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Không phải điều xa vời, mà là chuyện bình dân học vụ", Tổng giám đốc FPT IS khẳng định.

Tác giả: Việt Hưng
Tư liệu ảnh: Hoàng Anh
Thiết kế: TheLEADER