Áp lực với xuất khẩu Việt Nam sau Thỏa thuận xanh EU

Những động thái trong chuyển đổi xanh của EU – một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực – sẽ ảnh hưởng đến không ít các ngành hàng lớn của Việt Nam.

person in gray long sleeve shirt holding clear glass ball

Xu hướng Việt Nam không thể bỏ lỡ

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh”, đã và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu.

Trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới.

Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU luôn nằm trong tốp đầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Ông Vinh đánh giá, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại có thể làm suy giảm tạm thời nhu cầu ở khu vực này, EU vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.

Năm ngoái, thị trường EU chiếm tới gần 13% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, tăng gần 17% so với năm trước đó, cao hơn đáng kể mức tăng trung của các thị trường.

“Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới bộ phận không nhỏ trong xuất khẩu của Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh tại hội thảo về Thỏa thuận xanh EU mới đây do VCCI tổ chức.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI

Thỏa thuận xanh EU là gói các sáng kiến chính sách khung nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát thải kinh tế.

Theo lãnh đạo VCCI, việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong thỏa thuận xanh đang và sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên/với thị trường EU, trong đó, bao gồm hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.

Một bộ chính sách khổng lồ

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, cho biết, trong tổng thể, các chính sách xanh của EU được triển khai trên chín lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực có chính sách xanh bao trùm các chủ thể trong và ngoài EU (như khí hậu, môi trường và đại dương, nông nghiệp), và các lĩnh vực mà chính sách xanh tập trung vào các vấn đề nội bộ của EU là chủ yếu (như công nghiệp, năng lượng, giao thông, nghiên cứu và phát triển, tài chính, và xây dựng).

Là gói chính sách nội bộ của EU, Thỏa thuận xanh về lý thuyết chỉ áp dụng cho các chủ thể EU và các đối tượng (hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) trên thị trường/lãnh thổ khối này.

Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh rằng, trong một số trường hợp cụ thể, các chính sách của thỏa thuận này cũng sẽ áp dụng cho các đối tượng ngoài EU.

Trong đó, phổ biến là trường hợp có phạm vi áp dụng là hàng hóa lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ và/hoặc tạo phát thải tại EU, không phân biệt hàng hóa sản xuất tại EU hay hàng nước ngoài nhập khẩu vào EU; hoặc trường hợp được thiết kế để áp dụng riêng cho hàng nhập khẩu vào EU từ bên ngoài nhằm bảo đảm cân bằng với các quy định EU áp dụng cho hàng hóa nội khối EU.

Quy mô khổng lồ của các chính sách trong Thỏa thuận Xanh châu Âu. Nguồn: Trung tâm WTO, VCCI

Quy mô khổng lồ của các chính sách trong Thỏa thuận Xanh châu Âu. Nguồn: Trung tâm WTO, VCCI

Chỉ trong chưa đầy bốn năm triển khai Thỏa thuận xanh, EU đã có nhiều chính sách xanh đang/dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork - F2F) nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm, như giảm 50% lượng sử dụng hóa chất trừ sâu, giảm ít nhất 20% lượng sử dụng phân bón.

green open field view during daytime

Photo by Julian Ebert on Unsplash

Photo by Julian Ebert on Unsplash

Item 1 of 1
green open field view during daytime

Photo by Julian Ebert on Unsplash

Photo by Julian Ebert on Unsplash

Đối với lĩnh vực sản xuất chế biến, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan – CEAP) liệt kê 35 chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn trong các chuỗi sản phẩm mục tiêu (điện tử - công nghệ thông tin, pin và phương tiện vận tải, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng).

Ngoài ra, còn có một số chính sách khác có phạm vi hẹp hơn nhưng cũng rất đáng chú ý như Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng...

Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận xanh EU đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030, bà Trang lưu ý.

worms eye view of forest during day time

Photo by kazuend on Unsplash

worms eye view of forest during day time

Photo by kazuend on Unsplash

Áp lực lớn với

xuất khẩu Việt Nam

Các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các các thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có).

Nhóm tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững” (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua...).

Và cuối cùng là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ đất trồng, về lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất trên đơn vị sản phẩm...), hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng (ví dụ về ghi nhãn, về hộ chiếu số cho sản phẩm...).

close-up photography of fruit

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những chính sách trong Thỏa thuận Xanh EU

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những chính sách trong Thỏa thuận Xanh EU

Với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh EU, theo bà Trang, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,...), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Cùng với đó là thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất...).

Bà Trang phân tích, thách thức mà Thỏa thuận xanh đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan.

Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận xanh và các chính sách, biện pháp thực thi không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian.

“Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU”, vị lãnh đạo của Trung tâm WTO và hội nhập nhấn mạnh.

Trong khi đó, khảo sát nhanh do VCCI thực hiện cách đây không lâu cho thấy, có tới 88 – 93% số người được hỏi chưa từng biết đến, hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận xanh EU chỉ ở mức 4%.

Do đó, việc đầu tiên cần làm để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam là chủ động tìm hiểu về thỏa thuận này để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Đi sâu hơn vào các yêu cầu của các chính sách xanh, thách thức với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nằm ở năng lực tuân thủ các yêu cầu này.

Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của EU vốn đã không phải là dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.

Do đó, thách thức tất nhiên sẽ còn lớn hơn nhiều với các tiêu chuẩn xanh mới hoặc nâng cấp từ các TBT, SPS hiện tại theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn, bà Trang nhấn mạnh.

Tùy từng doanh nghiệp, thách thức đó có thể là ở năng lực để chuyển đổi về công nghệ, về kiểm soát chuỗi cung, về kỹ năng của lao động hay về năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin.

Bà Trang phân tích: “Đằng sau tất cả thách thức kỹ thuật này là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi. Với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận xanh là nhiệm vụ rất khó khăn”.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU.

Một mặt, các chính sách xanh của EU đều được công khai dự thảo và tham vấn ý kiến công chúng trong một khoảng thời gian rất dài trước khi được quyết định thông qua. Kể cả khi có hiệu lực, các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước, với các yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài.

Mặt khác, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động (ví dụ các yêu cầu về khai báo phát thải, về thông tin đối với sản phẩm...).

Đồng thời, một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà doanh nghiệp đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, do đó, có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với doanh nghiệp.

Động lực

cho thời kỳ tiếp theo

Mặc dù trước mắt, các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.

Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.

Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia...).

Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng lại có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Không những thế, trên bình diện vĩ mô, việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.

Trước các chính sách xanh này của EU, bà Trang khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong các ngành bị ảnh hưởng cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình.

Cùng với đó, cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Không chỉ vậy, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU này của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Ngoài ra, cần phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam nếu có.

Nội dung: Kiều Mai
Ảnh: Hoàng Anh, Unsplash
Thiết kế: TheLEADER