Khai mở cơ hội

'NGHỀ'

Phát triển bền vững

TheLEADER có buổi trò chuyện đầu xuân với chị Võ Ngọc Tuyền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dear Our Community, xoay quanh câu chuyện về tiềm năng, cơ hội cũng như những thách thức đặt ra cho người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ, khi quyết tâm theo đuổi các công việc phát triển bền vững

Dù phát triển bền vững đang dần trở thành xu thế tất yếu nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp có những vị trí, phòng ban riêng liên quan đến lĩnh vực này?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Trước đây, doanh nghiệp có nhận thức và tư duy khá hạn chế về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội. Bởi vì theo như quan niệm thông thường, doanh nghiệp chỉ tập trung vào kinh doanh, tập trung giải bải toán lợi nhuận, đến khi dôi dư ra một chút mới nghĩ đến một số hoạt động đóng góp cho xã hội đơn giản như làm thiện nguyện chứ không có một chiến lược phát triển bền vững bài bản.

Các hoạt động phát triển bền vững được định hình từ quan niệm đó nên diễn ra theo kiểu phong trào, chủ yếu trên bề mặt chứ không đi sâu được vào chuỗi cung ứng, chạm vào giá trị doanh nghiệp.

Chính vì vậy, “nghề” phát triển bền vững khó phát triển. Những nhân sự có hiểu biết, có hoài bão về phát triển bền vững rất muốn triển khai công việc của mình sâu sát hơn nhưng không biết phải làm thế nào. Doanh nghiệp cũng không có kinh nghiệm cũng như định hướng để hướng dẫn những nhân sự ấy.

Thực tế, làm về phát triển bền vững rất khó bởi khâu nào, công đoạn nào của chuỗi cung ứng, phòng ban nào của doanh nghiệp cũng có thể áp dụng các giải pháp bền vững. Điều đó đòi hỏi người làm về phát triển bền vững cần có hiểu biết rộng, có tư duy đa ngành, không giống như những công việc phổ biến khác.

Thực trạng đó gây ra sự lãng phí rất lớn, bởi doanh nghiệp có nhiều nguồn lực để triển khai những hoạt động, giải pháp tạo ra nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội. Tuy nhiên, không có nhân sự đủ kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra chiến lược bài bản, doanh nghiệp chỉ làm những hoạt động hời hợt khiến những những nguồn lực đó bị lãng phí rất nhiều.

Làm kinh doanh, giới doanh chủ luôn mong muốn ổn định về tài chính và tạo ra giá trị trong tất cả các hoạt động. Phát triển bền vững cuối cùng vẫn phải nằm trong bài toán kinh doanh tạo ra giá trị như vậy.
Chị Võ Ngọc Tuyền - Giám đốc điều hành Dear Our Community

Theo chị, như thế nào là một nhân sự làm về phát triển bền vững giỏi?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Làm kinh doanh, giới doanh chủ luôn mong muốn ổn định về tài chính và tạo ra giá trị trong tất cả các hoạt động. Phát triển bền vững cuối cùng vẫn phải nằm trong bài toán kinh doanh tạo ra giá trị như vậy.

Nhiều người làm phát triển bền vững ở các doanh nghiệp thường ít quan tâm đến câu chuyện tài chính. Họ tập trung đề ra những hoạt động làm sao có lợi nhất cho môi trường, xã hội mà quên đi mất rằng lấy đâu nguồn lực để duy trì, quên mất kinh tế cũng là một trụ cột của phát triển bền vững.

Đó là một khoảng trống cần được thu hẹp. Nhân sự giỏi về phát triển bền vững phải chỉ ra được cho doanh nghiệp rằng, việc đầu tư vào phát triển bền vững là cần thiết và tạo ra giá trị thiết thực.

Một băn khoăn của hầu như tất cả nhân sự mong muốn làm về phát triển bền vững là “liệu những công việc này có “ra tiền” hay không”, chị nghĩ sao về điều này?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Đây đúng là một câu hỏi tôi nhận được rất nhiều từ các bạn trẻ.

Băn khoăn này không phải khó hiểu bởi chúng ta phải nhìn nhận thực tế là đối với nhiều doanh nghiệp, công việc liên quan đến phát triển bền vững không phải mang tính thiếu yếu so với những công việc như bán hàng, tiếp thị hay chăm sóc khách hàng. Do đó, không có nhiều doanh nghiệp trả nhiều tiền cho nhân sự làm về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, phát triển bền vững đang trở thành xu thế, phần vì yêu cầu từ phía thị trường, phần vì tư duy, nhận thức của giới doanh chủ ngày càng được nâng cao. Do đó, trong tương lai, khi phát triển bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nhiều cơ hội được mở ra, nhiều nguồn lực được đổ vào nhân sự làm về phát triển bền vững.

Thật ra, không phải có một bộ phận riêng về phát triển bền vững mới là “làm” phát triển bền vững. Các giải pháp bền vững hoàn toàn có thể được tích hợp vào mọi công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, mọi phòng ban của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi nhân sự ở mọi vị trí phải trang bị cho mình những kỹ năng xanh.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong tương lai, nhu cầu về kỹ năng xanh sẽ vượt quá số lượng nhân sự sở hữu những kỹ năng này. Cầu vượt quá cung thì giá tất nhiên sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, bài toán thu nhập của “nghề bền vững” phải giải từ cả hai chiều. Chúng ta kỳ vọng rằng doanh nghiệp có thể trả nhiều tiền hơn cho các công việc phát triển bền vững nhưng bản thân nhân sự làm về phát triển bền vững phải tự chứng tỏ giá trị bản thân, chứng tỏ những hoạt động phát triển bền vững có thể đem lại giá trị cho doanh nghiệp.

Chúng ta kỳ vọng rằng doanh nghiệp có thể trả nhiều tiền hơn cho các công việc phát triển bền vững nhưng bản thân nhân sự làm về phát triển bền vững phải tự chứng tỏ giá trị bản thân, chứng tỏ hoạt động phát triển bền vững có thể đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
Chị Võ Ngọc Tuyền - Giám đốc điều hành Dear Our Community

Làm sao để doanh nghiệp tìm kiếm được những nhân sự chất lượng, có năng lực thúc đẩy các mục tiêu, cam kết phát triển bền vững?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Tôi cho rằng doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức tuyển dụng. Nếu như trước đây, bằng cấp đóng vai trò quan trọng nhất trong tuyển dụng nhân sự thì hiện nay, có nhiều yếu tố cũng quan trọng không kém.

Lời khuyên của tôi là doanh nghiệp hãy mở lòng để tìm kiếm những nhân sự thực sự có khả năng. Đặc biệt với các nhân sự trẻ, có thể các bạn ấy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng hãy cho cơ hội nếu thấy được tư duy, thái độ tốt và thực sự muốn theo đuổi “sự nghiệp bền vững”.

Doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho đội ngũ nhân sự trẻ bằng các hoạt động như chương trình thực tập chẳng hạn.

Theo như tôi quan sát được, nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi muốn hướng đến phát triển bền vững thường sẽ tuyển những nhân sự có kinh nghiệm hoặc thuê một đơn vị tư vấn để vạch ra kế hoạch, chiến lược. Điều này không sai nhưng nếu chiến lược đó muốn đi dài hơi, doanh nghiệp vẫn cần có các bạn trẻ có khả năng “thực chiến” để triển khai.

Vậy nên xây dựng một đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp hiện thực hóa hiệu quả mục tiêu, cam kết đặt ra. Nói chung, muốn làm tốt bất cứ điều gì, chúng ta đều cần có một nội lực đủ mạnh.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho các bạn trẻ theo đuổi nghề phát triển bền vững cũng chính là cách doanh nghiệp đang đóng góp cho xã hội, thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Talkshow Sự nghiệp hạnh phúc do Dear Our Community tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: DOC

Talkshow Sự nghiệp hạnh phúc do Dear Our Community tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: DOC

Nhà lãnh đạo, nhà quản trị đóng vai trò rất quan trọng trong việc đặt ra định hướng, tầm nhìn cho doanh nghiệp. Theo chị, nhà lãnh đạo, nhà quản trị doanh nghiệp cần làm gì để khuyến khích, phát triển “kỹ năng xanh” của đội ngũ nhân sự?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Nhà lãnh đạo đóng vai trò tạo ra tầm nhìn và mục tiêu cho các hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, nếu nhà lãnh đạo không hiểu, không tạo cơ hội cho những hoạt động bền vững thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự.

Theo tôi, điều đầu tiên là nhà lãnh đạo, nhà quản trị cần thực sự hiểu về phát triển bền vững. Hiểu ở đây không dừng lại ở việc lý giải, định nghĩa mà còn phải thực sự thấu hiểu được giá trị của sự phát triển bền vững đem lại, trước tiên là cho doanh nghiệp, rộng hơn là cho toàn nền kinh tế, xã hội, cộng đồng.

Sự hiểu đó là nền tảng để nhà lãnh đạo dám dấn thân, dám cam kết và thực sự đầu tư vào phát triển bền vững.

Theo một số báo cáo gần đây, đội ngũ nhân sự, đặc biệt là các bạn trẻ, rất thích tính “chân thật” của nhà lãnh đạo. Tức là người đứng đầu doanh nghiệp phải “nói được làm được”, chứng minh được rằng cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp là thực chất chứ không phải để “làm màu”.

Bởi vì, giới trẻ hiện nay đi làm không chỉ vì tiền. Bên cạnh vấn đề thu nhập, các bạn ấy rất quan tâm đến việc liệu công việc mình đang làm có giá trị, ý nghĩa hay không, có đang đóng góp tích cực cho xã hội hay không.

Khi nhìn được cam kết mạnh mẽ và thực chất của nhà lãnh đạo, các bạn trẻ sẽ “mở khóa” rất nhiều năng lực và đóng góp nhiều giải pháp, hoạt động hướng đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Chị Võ Ngọc Tuyền cùng các bạn trẻ nêu quan điểm tại sự kiện về ESG. Ảnh: DOC

Chị Võ Ngọc Tuyền cùng các bạn trẻ nêu quan điểm tại sự kiện về ESG. Ảnh: DOC

Chị định vị Dear Our Community sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc khuyến khích sự phát triển của “nghề” bền vững ở Việt Nam?

Chị Võ Ngọc Tuyền: Đầu tiên, Dear Our Community là một “nơi tìm về” phù hợp cho các bạn trẻ có quan tâm, có mong muốn học hỏi, tìm hiểu về phát triển bền vững.

“Community” tiếng Anh có nghĩa là cộng đồng. Muốn học phải có cộng đồng để nếu thấy khó thì có người để hỏi, thấy nản thì có nơi chia sẻ, tạo động lực. Phát triển bền vững là một khái niệm còn mới nên học, tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này là một con đường rất chông gai và thử thách.

Tiếp đó, chúng tôi cũng định vị mình là một đơn vị sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, không phải những nội dung giải trí thông thường mà là nội dung tạo và lan tỏa giá trị.

Khi mới tiếp cận các khái niệm về phát triển bền vững, các bạn trẻ thường tỏ ra rất hoang mang. Những thứ như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, quyền lợi người lao động đều là những câu chuyện rất lớn. Các bạn trẻ tự đặt câu hỏi rằng liệu bản thân mình, với nguồn lực ít ỏi, liệu có thể làm được gì để đóng góp cho bức tranh rộng lớn ấy hay không.

Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng truyền tải những thông điệp về phát triển bền vững theo hướng biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Thay đổi cách tiếp cận để làm sao dễ hiểu, dễ nắm bắt nhưng cũng đủ sâu sắc là cách giúp các bạn trẻ từng bước hiểu về phát triển bền vững và tìm ra cách để mình có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp, hay rộng hơn là cho cả xã hội, đất nước và toàn thế giới.

Đó cũng là cách chúng tôi tạo ra sự khác biệt, so với rất nhiều cá nhân, tổ chức sáng tạo nội dung, thông qua cách tạo ra giá trị thiết thực.

Xin cảm ơn chị!

Thực hiện: Phạm Sơn
Thiết kế: TheLEADER
Xuất bản: 15/2/2024