NHỊP ĐẬP

ESG

CỦA SILKROAD

ESG là một cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và xa hơn là phát thải về 0 vào 2050.

Được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn, ngành vật liệu xây dựng đang cần nhanh chóng thực hành ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) để tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay.

Trong đó, các vấn đề về chất lượng bê tông, phát thải khí các-bon và các tác động đến môi trường sinh thái, môi trường sống luôn là một thách thức không nhỏ.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, Tạp chí TheLEADER đã trao đổi với ông Bùi Công Đạt, Phó giám đốc kinh doanh chi nhánh Công ty CP Silkroad Hà Nội (thành viên của Tập đoàn Silkroad), được coi là "Người đi đầu trong ngành Vật liệu xây dựng tiên tiến" tại Việt Nam, để hiểu rõ hơn về hoạt động ESG trong lĩnh vực vật liệu xây dựng nói riêng, ngành xây dựng nói chung, đặt trong dòng chảy phát triển bền vững, kinh tế xanh toàn cầu.

Tiêu chí ESG được quán triệt chi tiết trong nhà máy sản xuất khi con người lao động luôn được đào tạo về kỷ luật, cách làm khách hàng hài lòng, bảo vệ môi trường làm việc từ năm 2008 đến nay

ÔNG BÙI CÔNG ĐẠT

PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC KINH DOANH

SILKROAD HANOI JSC

Được biết, từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn Silkroad đã xác lập mục tiêu phát triển bền vững, cống hiến cho cộng đồng bên cạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh (ESG), Silkroad cũng công bố thực hiện chính sách "Kinh doanh ESG (Môi trường, Xã hội và Cơ cấu quản trị)" từ đầu năm 2022.  Ông hãy chia sẻ về quá trình thực hiện các mục tiêu này của Silkroad?

Ông Bùi Công Đạt: Khi quyết định xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở Việt Nam (tại tỉnh Hải Dương) năm 2007, ban lãnh đạo Tập đoàn đã xác định phương châm hoạt động thông suốt từ đó đến nay.

Trước hết, các sản phẩm làm ra phải thân thiện với môi trường. Là công ty chuyên về sản xuất hóa chất, nên sản phẩm của Silkroad đưa ra thị trường phải không gây hại cho môi trường. Trong các sản phẩm này đều có chứng nhận không tìm thấy 7 loại chất nguy hại.

Một nội dung xuyên suốt nữa, là sản phẩm phải mang lại giá trị kinh tế cho khách hàng, đồng thời với đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ví dụ, quá trình sản xuất bê tông sử dụng rất nhiều xi măng – với thành phần hóa thạch lớn, phát thải nhiều ra môi trường. Sản phẩm của Silkroad được nghiên cứu, sản xuất với tiêu chí giảm tối đa hàm lượng xi măng sử dụng trong bê tông.

Đến nay, chúng tôi có thể tự hào rằng, việc sử dụng những sản phẩm phụ gia của Silkroad thế hệ thứ tư đã giúp bê tông chỉ còn sử dụng 45% là xi măng, thay vì 100% như trước. Đây là đóng góp giúp giảm thiểu tích cực ô nhiễm môi trường cũng như lợi ích kinh tế cho khách hàng.

Để làm được điều này, bên cạnh yếu tố công nghệ sẵn có, chúng tôi luôn tâm niệm phải truyền tải công nghệ đó đến khách hàng và kỹ thuật có thể tiếp thu và chấp nhận được.

Từ những ngày đầu nhận giấy phép đầu tư (tháng 12/2007) và chuẩn bị xây dựng nhà máy ở Việt Nam, tôi là một trong những nhân viên đầu tiên được cử sang công ty mẹ tại Hàn Quốc để đào tạo về vấn đề kỹ thuật, môi trường, quy trình sản xuất để khi về Việt Nam thì lứa cán bộ chúng tôi đã có thể góp phần đảm nhận tốt việc tiếp quản, truyền tải các vấn đề quản trị, tiêu chí sản xuất, phát triển tại chi nhánh của tập đoàn ở Việt Nam.

Ngoài ra, tiêu chí ESG cũng được quán triệt chi tiết trong nhà máy sản xuất khi con người lao động luôn được đào tạo về kỷ luật, cách làm khách hàng hài lòng, bảo vệ môi trường làm việc từ năm 2008 đến nay. Vì thế, đó là một truyền thống mà Silkroad luôn bảo vệ, phát huy suốt nhiều năm qua.

Về chính sách ESG mới công bố năm 2022, Tập đoàn của chúng tôi ở Hàn Quốc đã nhận được 2 giải thưởng giá trị do Bộ Tài nguyên và Bộ khoa học của Hàn Quốc công nhận về quản trị ESG. Điều này, khác biệt là Silkroad áp dụng một cách tốt hơn, hiệu quả hơn nữa vấn đề quản trị vào môi trường làm việc.

Cụ thể là nội dung quản trị nội bộ, tức áp dụng toàn bộ hệ thống ERP trong tất cả các công ty thành viên. ERP là một phần mềm quản lý tiên tiến của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng. Tất cả công việc, hoạt động quản trị của công ty đều thông qua hệ thống ERP. Để làm được điều này, tất cả người làm việc đều phải thành thạo hệ thống này.

Đồng thời, quản trị nội bộ phải đảm bảo thông tin bảo mật, đồng thời minh bạch chính sách của doanh nghiệp. Chúng tôi đã chuyển đổi số từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020. Đến 2022, các nhân viên đều thành thạo hệ thống quản trị của công ty đề ra. Đây là sự khác biệt lớn nhất.

Về ngành sản xuất vật liệu, cụ thể là phụ gia hóa chất, vốn bị mang tiếng là ô nhiễm. Việc thực hiện phát triển bền vững, tăng trưởng xanh có khó không và giải quyết ra sao, thưa ông?

Ông Bùi Công Đạt: Sản xuất hóa chất là một ngành đặc thù về chuyên môn lẫn phổ biến, nhất là phụ gia bê tông là chuyên ngành hẹp (phục vụ cho VLXD).

Khó khăn cho những công ty sản xuất hóa chất như Silkroad nói riêng và các hãng khác nói chung là: chính sách pháp luật của nhà nước chưa hoàn thiện.

Ví dụ, trên thế giới, các đơn vị sản xuất phụ gia bê tông phải được công nhận chuyên biệt. Nhưng ở Việt Nam, một số đơn vị sản xuất bê tông lại nhập hóa chất trực tiếp từ nước ngoài về để sử dụng. Hóa chất của ngành này không theo quy chuẩn, nên đã dẫn tới tình trạng đó.

Tuy nhiên, phát thải của sản phẩm khi sử dụng trong môi trường (cùng với xi măng và hóa chất khác) không thể kiểm soát được.

Chính vì thế, đối với những đơn vị sản xuất trực tiếp như Silkroad thì những sản phẩm phụ gia luôn có quy trình kiểm soát như: nước dùng, nguyên liệu phải qua hệ thống lọc thải, thông qua một công ty môi trường để xử lý toàn bộ nguồn nước thải trước khi đổ ra nguồn nước cuối cùng phải đảm bảo yêu cầu.

Đối với một số đơn vị khác, thì việc đó chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi Silkroad phải đầu tư rất chuẩn mực vấn đề này, vô hình chung dẫn đến tính cạnh tranh về sản phẩm bị suy giảm.

Vì vậy, để bảo vệ môi trường bền vững, Silkroad mong muốn cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách pháp luật quy định rõ về cách thức, tiêu chí rõ ràng triệt để.

Vấn đề tiếp theo là công nghệ, cụ thể là các quy chuẩn ngành của Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ sản xuất liên quan.

Silkroad đã nhiều lần làm việc với các cơ quan hữu quan, các quy chuẩn về xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành từ 20-30 năm và chưa có thay đổi, cập nhật nào.

Silkroad muốn mang nhiều công nghệ mới về áp dụng tại Việt Nam nhưng vướng vì đơn vị thi công, sử dụng trực tiếp phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn. Nhưng công nghệ mới chưa được bộ tiêu chuẩn của Việt Nam thông qua nên còn gặp nhiều rào cản.

Ví dụ, với công trình xây dựng đường bờ biển Việt Nam, việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng hiện hữu của Việt Nam (đã dùng từ hơn 20 năm qua) khiến chi phí một khối bê tông tăng lên 200-300 nghìn đồng. Trong khi công nghệ mới bây giờ, người ta có thể giảm 200-300 nghìn đồng mỗi khối bê tông như vậy, mà tính bảo vệ cốt thép tốt hơn rất nhiều.

Các đơn vị đều biết điều đó và muốn áp dụng, nhưng khi so chiếu tiêu chuẩn thì không được chấp thuận.

Các công trình dự án của Nhà nước sử dụng vốn đầu tư công, thì các đơn vị tư vấn đều không dám áp dụng công nghệ mới. Vì nếu áp dụng, mà không có trong bộ tiêu chuẩn thì rất dễ vi phạm quy định.

Ngược lại, điều này được sử dụng phổ biến trong các dự án do các Tập đoàn tư nhân phát triển như Vingroup, Sungroup với lợi thế ưu việt.

Hàng rào tiêu chuẩn "lạc hậu", đi sau phát triển của công nghệ phát triển bê tông hàng chục năm. Bộ Xây dựng vẫn đang luận bàn về việc sử dụng bộ tiêu chuẩn BS của Anh, nhưng thực tế vẫn đang áp dụng pha trộn tiêu chuẩn ASTM của Mỹ và SNIP của Nga nhưng đến nay chưa thể thống nhất về điều này.

Phát thải các-bon thật ra không có gì quá đao to búa lớn, mà nó nằm ở bản thân mỗi nhân viên. Công ty đã yêu cầu việc đó phải đi lên từ mỗi nhân viên. Đây là một bộ quy tắc bắt buộc của Silkroad

ÔNG BÙI CÔNG ĐẠT

PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC KINH DOANH

SILKROAD HANOI JSC

ESG được coi là một công cụ để tiếp cận hiệu quả tín dụng xanh. Silkroad có đặt mục tiêu về vấn đề này?

Ông Bùi Công Đạt: Trước hết, xin khẳng định lại ESG là điều bắt buộc của Silkroad. Tức là tập đoàn luôn áp dụng một cách triệt để ESG.

Tập đoàn mẹ luôn hướng tới nhận được những chứng chỉ xanh của các tổ chức uy tín trên thế giới nhằm công nhận Silkroad là một đơn vị phát triển bền vững, đồng thời lượng phát thải các-bon luôn là thấp nhất.

Phát thải các-bon thật ra không có gì quá đao to búa lớn, mà nó nằm ở bản thân mỗi nhân viên. Công ty đã yêu cầu việc đó phải đi lên từ mỗi nhân viên. Đây là một bộ quy tắc bắt buộc của Silkroad .

Đây là phương châm đầu tiên của Silkroad trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn xanh. Có thể nói ESG giữ vai trò huyết mạch trong hành trình phát triển của Silkroad.

Tôi xin nói rõ hơn về cách thực hiện ESG từ Tập đoàn tại Hàn Quốc tới chi nhánh tại Việt Nam.

Trong tổng số cán bộ nhân viên của Silkroad tại Việt Nam, có tới 98% là người Việt Nam và 70% là nam giới. Với những phần công việc thí nghiệm, đi ra hiện trường nặng nhọc chiếm phần lớn công việc hàng ngày của chúng tôi nên nam giới sẽ giữ trọng trách này. Còn lại 30% là nữ giới sẽ đảm trách các vấn đề kinh doanh, hỗ trợ sản xuất, tài chính kế toán.

Thứ hai, về thực hiện ESG tới từng nhân viên, công ty đưa ra 3 yêu cầu. Thứ nhất, về sản phẩm công nghệ, các bộ phận tương ứng sẽ phải học tập, cập nhật liên tục và sẽ có phần kiểm tra về nội dung này.

Đơn cử, liên quan đến sản xuất, kỹ thuật, kinh doanh thì phải liên tục cập nhật thông tin về sản phẩm. Bởi, sản phẩm hóa chất luôn thay đổi từng ngày.

Tiếp theo, là vị trí làm việc. Nếu nhân viên A được bố trí một chỗ làm việc tại công ty, thì không gian làm việc đó phải sạch sẽ nhất. Ví dụ, khi mang thực phẩm ăn uống tới nơi làm việc, thì đồ sử dụng để đựng phải là vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần.

Hay như việc sử dụng rất nhiều giấy tại các văn phòng công ty. Năm 2024, Silkroad hướng tới việc gần như không sử dụng giấy, thay vào đó là tích hợp tất cả trên hệ thống máy tính.

Với quá trình hoạt động bền vững tại Việt Nam, giữ vai trò là một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, ông nhận định ra sao về tương lai nền kinh tế Việt Nam năm 2024, đặc biệt là ở mảng lĩnh vực đang triển khai và bản lĩnh cần có của một nhà quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh này?

Ông Bùi Công Đạt: Trước tiên, cần nhắc lại về năm 2023 như một khoảng thời gian hỗn loạn về tất cả mọi mặt, trong đó có kinh tế.

Dù nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức phía trước. Năm 2024 có thể sẽ cải thiện hơn một chút, nhưng vấn đề khó khăn cho nền kinh tế sẽ còn rất nhiều điều để nói. Đặc biệt, trong ngành bất động sản và ngành phụ trợ là vật liệu xây dựng.

Tôi cho rằng, bất động sản năm 2024 sẽ chưa thực sự phục hồi và tỷ lệ tăng trưởng sẽ thấp vì vướng nhiều yếu tố ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở góc độ tập đoàn chúng tôi, đây sẽ là cơ hội.

Bởi, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nào phát huy được chính sách phát triển bền vững với sản phẩm tốt, hệ thống quản trị hạn chế được rủi ro tốt nhất và chi phí quản trị doanh nghiệp tối ưu nhất, thì sẽ tồn tại và có cơ hội phát triển.

Bối cảnh hiện tại không khác gì năm 2013 mà Silkroad đã trải qua. Vì vậy, năm 2024 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và luôn định hướng phát triển bền vững.

Giai đoạn 2011-2012, bong bóng bất động sản bị vỡ đã dẫn tới loại bỏ hàng loạt doanh nghiệp yếu về dòng tiền lẫn quản trị. Ví dụ ở ngành vật liệu, giai đoạn đó ghi nhận khoảng 100 công ty chuyên về sản xuất bê tông tại Hà Nội. Nhưng đến hết 2013, số công ty còn lại chỉ là 70.

Tương tự, trước năm 2022, lượng doanh nghiệp bê tông là hơn 70. Đến nay, con số này chỉ còn dưới 50. Những đơn vị còn trụ lại trên thị trường chủ yếu đều sở hữu dòng tiền ổn và quản trị hiệu quả. Nhu cầu sản phẩm ở thị trường Hà Nội vẫn rất lớn, số lượng doanh nghiệp giảm đi, đương nhiên cơ hội phát triển cho phần còn lại sẽ tăng lên.

Với chúng tôi, cách thức và bản lĩnh mà doanh nghiệp, cụ thể là nhà quản trị doanh nghiệp cần có để vượt qua thách thức, hóa giải khó khăn nằm ở việc chủ động thay đổi, chấp nhận khó khăn trong một thời gian nhất định để phát triển mạnh, bền vững hơn bằng những sản phẩm tối ưu nhất cho khách hàng.

Ví dụ, năm 2009, Silkroad quyết định chủ động dừng sản xuất sản phẩm phụ gia thế hệ thứ hai để nghiên cứu, phát triển lên thế hệ thứ ba, dù thị trường đang đón nhận tốt. Nguyên nhân, khi sử dụng phụ gia thứ hai, nếu sản phẩm để ở môi trường nhiệt độ cao, không bảo dưỡng tốt thì có thể tạo mùi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quyết định này, trong bối cảnh khách hàng đang ưa chuộng, đã mang lại một số khó khăn nhất định cho Tập đoàn. Nhưng, ngay khi thị trường bắt đầu lao dốc (giai đoạn 2011-2012), khách hàng đã nhận thấy phụ gia thế hệ thứ ba có nhiều ưu việt hơn và cần thay đổi.

Kết quả, từ năm 2013, Silkroad đã bán được rất nhiều sản phẩm thế hệ này, như một minh chứng sống động cho quyết định chúng tôi.

Tương tự, thị trường năm 2023 cũng giống như 10 năm trước và SILKROAD đã kịp phát triển thành công phụ gia thế hệ thứ tư với nhiều ưu điểm vượt trội so với phiên bản trước.

Trong đó, lớn nhất phải kể đến là khối lượng xi măng sử dụng để sản xuất ra một khối bê tông được giảm về dưới 50%. Nếu đánh giá về tín chỉ xanh, thì đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Thành lập vào năm 1983, Silkroad (Hàn Quốc) là công ty chế tạo quy mô lớn nhất trên toàn quốc trong lĩnh vực phụ gia hóa học bê tông, phụ gia đông kết nhanh, phụ gia trợ nghiền, vật liệu sàn thân thiện với môi trường.

Dựa trên nền tảng kĩ thuật tích lũy được cùng với chất lượng, dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật ổn định, Silkroad đang xuất khẩu sản phẩm tới 70 quốc gia trên thế giới tập trung vào châu Á, Trung Đông, châu Âu.

Tại Hàn Quốc, năm 2011 Silkroad được Bộ Kinh tế Tri thức lựa chọn là doanh nghiệp World class 300. Đến năm 2019, Silkroad đạt được tháp xuất khẩu 50 triệu USD và nhận Huân chương tháp vàng công nghiệp vào năm 2021. Vượt ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, Silkroad đang vươn tầm mạnh mẽ trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành doanh nghiệp toàn cầu trên thế giới, Silkroad đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam năm 2007, chính là pháp nhân nước ngoài đầu tiên của Silkroad. Silkroad Hà Nội JSC được định vị là doanh nghiệp cung cấp phụ gia hóa học hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng tại các thị trường châu Á.

Tới nay, Silkroad đã tham gia cung ứng sản phẩm cho hàng loạt dự án tầm cỡ, quy mô tại Việt Nam như: Sân bay Nội Bài, tòa nhà Landmark 81, Landmark 72, Lotte Center Hà Nội, Nhiệt điện Mông Dương, Thủy điện Nho Quế, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, khách sạn JW Marriot Hà Nội, Khách sạn InterContinental Phú Quốc, sân bay Long Thành, kho cảng LNG Thị Vải.